MC Minh Trang – bà mẹ được rất nhiều người ngưỡng mộ về cách nuôi dạy con tiếp tục chia sẻ những điều hay về vấn đề “làm thế nào để nuôi dạy một em bé hạnh phúc”. Mẹ cùng tham khảo nhé!
“Hạnh phúc không di truyền và không phụ thuộc vào gien, nhưng mình chưa gặp một gia đình nào bố mẹ không hạnh phúc mà lại có thể nuôi dạy một em bé hạnh phúc cả. Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ ngay việc “bố mẹ không hạnh phúc” là việc bố mẹ có một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Rất đúng, nhưng chưa đủ.
Một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc đương nhiên sẽ là một môi trường thật tồi để nuôi dạy bất kỳ một đứa trẻ nào. Bố mẹ suốt ngày cãi vã, mắng chửi nhau trước mặt con, hoặc không trước mặt con thì không khí gia đình cũng vô cùng căng thẳng, hoặc có người này mà không có người kia, chưa kể việc bố mẹ vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc lại đem con cái ra để trút giận, để gây sức ép với người kia. Trẻ con nhạy cảm lắm, bố mẹ chỉ cần hơi giận nhau thôi là con cũng có thể cảm nhận được ngay. Vấn đề này đã có rất nhiều người nói đến trước mình, và mọi người cũng dễ dàng nhận thức được, vì vậy ở đây mình không nhắc lại nữa.
Khái niệm “bố mẹ hạnh phúc” đối với mình vừa rộng hơn, vừa cụ thể hơn việc có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc rất rất nhiều.
Mình thường xuyên nhận được inbox của các bạn có con nhỏ, với vô vàn tâm sự, từ chuyện cho con bú mẹ hoàn toàn con tăng cân ít, hơi còi, đi đâu ai cũng hỏi con bao nhiêu cân, rồi nói ra lại bị chê là “Sao nuôi con còi thế, không biết nuôi con à”, dần dà tự vận vào thân rồi cũng tự nghĩ mình “không biết nuôi con” từ lúc nào. Mình gặp được em bé thì thấy, trời ơi, em bé hoàn toàn bình thường và có phần hơi bụ bẫm so với các em bé cùng tuổi (và hơn Daisy là cái chắc). Rồi cả những mẹ cứ 2 ngày lại vào update tình hình con (mới) đi nhà trẻ cho mình, lần nào cũng không quên gửi kèm 1 vài đoạn clip trẻ em bị đánh/nhồi nhét ăn đang tràn lan trên mạng, và những dòng dài tâm sự lo lắng…, có cả những gia đình một bữa cơm không khác gì chạy marathon với con từ vườn hoa ra đến ao cá, người trong nhà ai cũng mệt mỏi, bữa cơm không bao giờ quây quần đủ thành viên (vì luôn có 1 người bị cắt cử để “đuổi theo” cho con ăn”… Có mẹ lại lo con bị thấp do bố mẹ đều thấp, cuống cuồng đi tìm các loại canxi bổ sung cho con; hay suốt ruột không yên khi thấy “con đứa bạn”, “con bà Dì”, “con hàng xóm” bằng con mình đã biết đi/biết nói/mọc đủ răng/đếm được từ 1 đến 10/thuộc được bảng chữ cái…
Theo mình, đó là những ví dụ về những người bố, người mẹ không hạnh phúc, vì quá thương yêu con, một cách mù quáng, không chủ động tìm tòi, không dựa trên khoa học, không có chính kiến và bị tác động tiêu cực từ những nhận xét xung quanh mà không tính đến tính đúng đắn/cơ sở khoa học của nó.
Bây giờ là thời đại của Internet và của Google, có vô vàn nguồn tham khảo, tài liệu để chúng ta nghiên cứu, kiểm chứng, được trích từ những nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, từ bảng cân nặng chiều cao tiêu chuẩn của trẻ (WHO), đến các phương pháp cho con ăn dặm, cách chế biến thực phẩm, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa ngon miệng lạ mắt, hấp dẫn, vừa giảm thiểu thời gian và công sức chuẩn bị cho bố mẹ…
Áp lực mong con thông minh, thành thần đồng cũng khiến nhiều ông bố bà mẹ đau đầu khi thấy con mình không bằng bạn bè cùng tháng/tuổi, rồi dẫn đến việc vận dụng một cách thái quá các phương pháp giáo dục sớm. Thay vì cho con ra ngoài chơi cát nghịch nước, chạy nhảy với cào cào châu chấu, hít thở không khí trong lành, phơi nắng… thì lại chọn cách ngồi hàng giờ trong nhà với con, cùng những bộ card với các chấm đỏ, với các chữ cái, từ ngữ vô hồn mà mình tin ở cái lứa tuổi 1-3 tuổi con chả cần phải biết những thứ đó để làm gì. Mình đã từng gặp các bạn 3-4 tuổi, thuộc làu làu bảng chữ cái, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhưng hàng ngày bố mẹ vẫn phải xúc cơm, mặc quần áo và rửa mặt cho. Có vẻ như mọi người vẫn đánh đồng việc biết sớm, biết trước với thông minh thì phải.
Ngoài những điều kể trên, theo mình những đặc điểm khác để “nhận diện” những ông bố bà mẹ “không hạnh phúc” như sau:
– Không tiếc tiền, luôn đáp ứng đòi hỏi/vòi vĩnh của con về các món đồ chơi, đồ dùng, nhưng lại không có đủ thời gian để ngồi chơi cùng con.
– Bữa cơm gia đình là bố xem TV, mẹ nghịch facebook, con vừa nhai (nuốt) cơm vừa xem ipad, iphone.
– Con hơi ốm một chút là lo chạy ra hiệu thuốc đầu đường mua ngay kháng sinh để “dập”.
– Buồn, khổ, lo lắng, gây áp lực cho giáo viên/nhà trường khi con đến lớp bị muỗi cắn, ngã, xước nhẹ tay chân, về nhà kêu đói.
– Quá nhiều nỗi sợ: con chơi ngoài nắng sợ con bị đen, con nghịch cát sợ con bị bẩn/vi khuẩn, con chạy nhanh sợ con bị ngã, con không đi học thêm sợ con biết ít hơn bạn…
– Quá bận rộn với công việc mà bỏ qua những sự kiện/cột mốc lớn lên của con: cái lật lẫy, những bước chập chững, những câu nói đầu tiên; ngày đầu tiên con đi học, các hoạt động thể thao, buổi biểu diễn văn nghệ/trung thu/tổng kết cuối năm của con cùng các bạn ở trường…
– Những bố mẹ theo “chủ nghĩa hoàn hảo”, làm hộ con mọi thứ vì “không có thời gian để con tự mò mẫm làm”, vì “con tự làm lại dây dưa bẩn thỉu lắm”, vì “con tự làm không chuẩn”.
– Và một điều cuối cùng, nhưng mình nghĩ là quan trọng nhất: không có thời gian để nói chuyện với con.
Trẻ con lớn nhanh như thổi, hãy là những ông bố bà mẹ hạnh phúc, hãy quẳng bớt nỗi sợ, những lo lắng, những áp lực công việc bên ngoài cánh cửa nhà, để cùng tận hưởng các con khi còn có thể nhé!”
(Theo FBNV)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.