Phương án tối ưu cho cầu thủ sút phạt đền là nhắm lấy một điểm rồi đá vào, đồng thời coi như thủ môn không tồn tại.
Cách sút phạt đền hoàn hảo
Trong bóng đá, ít có khoảnh khắc nào lại đặc biệt như giây phút sút phạt đền (penalty). Vinh quang hay thất bại nhiều khi nằm ở giây phút quyết định này. Sút phạt lần đầu được thực hiện cách đây 119 năm. Cho đến nay, nó vẫn có vai trò quyết định lớn hơn trong các giải đấu, kể cả các vòng chung kết World Cup.
Một cú sút hoàn hảo phải được sút cao, nhắm chính xác đến phía bên phải hoặc bên trái của thủ môn và đạt vận tốc 90 – 104 km/giờ. (Ảnh: theducket.com.)
|
Khi tầm quan trọng của penalty tăng lên thì giới khoa học cũng vào cuộc. Các nhà khoa học coi đây là cuộc đấu tay đôi giữa cầu thủ sút phạt và thủ môn khi mà sức mạnh cả về tâm lý và thể chất đều đóng một vai trò quan trọng.
Theo AFP, một nghiên cứu về penalty dưới góc độ toán học của Đại học John Moores tại Liverpool, Anh phủ nhận quan điểm cho rằng sút penalty là một trò may rủi.
Nghiên cứu cho thấy một cú sút hoàn hảo phải được sút cao, nhắm chính xác đến phía bên phải hoặc bên trái của thủ môn và đạt vận tốc 90 – 104 km/giờ. Bất kỳ cú sút nào nhanh hơn đều có thể làm tăng nguy cơ thất bại vì thiếu tính chính xác. Những cú sút chậm hơn thì thủ môn có thể chặn được.
Sau khi quan sát hàng chục trận đấu bóng quốc tế, các nhà nghiên cứu cho biết di chuyển nhanh để sút phạt đền (chưa đến 3 giây sau tiếng còi) sẽ giúp cầu thủ sút phạt tạo thêm đươc yếu tố bất ngờ. Ngược lại, nếu cầu thủ chần chừ hơn 13 giây sau tiếng còi thì anh ta sẽ giúp thủ môn có cơ hội di chuyển. Chờ cho thủ môn di chuyển, dù chỉ trong hơn 0,14 giây, cũng làm giảm cơ hội thành bàn.
Với một lần chạy đà từ 4 – 6 bước thì khả năng thành công là cao nhất, còn cơ hội ghi bàn khi chạy đà đến 10 m là thấp nhất.
Các số liệu thống kê cho thấy khả năng ghi bàn trong các pha sút phạt đền chủ yếu phụ thuộc vào người sút bóng, bởi chỉ có từ 2/3 đến 3/4 số cú sút trở thành bàn thắng.
Những con số này đem lại lợi thế tâm lý cho thủ môn. Nếu cú sút phạt đền thành công, mọi người sẽ vỗ vai anh ta và nói đó chỉ là do kém may mắn. Nếu thủ môn cản phá được cú sút thì anh ta sẽ được ca ngợi.
Tâm lý của cầu thủ sút phạt rất quan trọng. Một nhóm chuyên gia của Đại học Exeter, Anh yêu cầu các thành viên trong đội bóng đá của trường đeo những chiếc kính đặc biệt ghi lại chuyển động của mắt trong lúc tiến hành hai loạt sút phạt đền.
Ở loạt sút đầu tiên, các cầu thủ được yêu cầu chỉ cần cố gắng hết sức để ghi bàn. Trong loạt thứ hai, họ lại được cho biết kết quả sẽ được ghi lại và chia sẻ với những cầu thủ khác với giải thưởng 50 bảng cho cầu thủ xuất sắc nhất.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy cầu thủ càng lo lắng thì càng tập trung vào vị trí trung tâm của thủ môn. Vì hướng mắt và hướng di chuyển có liên quan chặt chẽ với nhau nên pha sút phạt cũng sẽ hướng vào trung tâm, do đó chúng dễ bị cản phá hơn.
“Phương án tối ưu cho cầu thủ sút phạt đền là nhắm lấy một điểm rồi đá vào, và coi như thủ môn không tồn tại”, Greg Wood, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Tư thế hông và màu áo cũng đáng chú ý. Để cản bóng thành công, nghiên cứu khuyên thủ môn nên quan sát hông của cầu thủ sút phạt khi kết thúc đợt chạy đà. Điều đó sẽ giúp thủ môn xác định vị trí quả bóng sẽ được sút vào. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong, Trung Quốc cho biết, nếu thủ môn chỉ di chuyển ra khỏi vị trí trung tâm 6–10 cm thì khoảng trống mà anh ta tạo ra cũng đủ lớn để cầu thủ sút bóng vào.
Thậm chí màu áo cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người trấn giữ khung thành. Thủ môn Petr Cech của đội Chelsea thích áo có sọc màu cam sáng vì tin rằng nó sẽ thu hút đối thủ và khiến họ có xu hướng sút thẳng vào anh.
Niềm tin này càng được củng cố nhờ nghiên cứu của các nhà tâm lý học thể thao thuộc Đai học Chichester, Anh. Trong một tuần, họ yêu cầu 40 cầu thủ sút hàng chục cú phạt đền vào một thủ môn. Người trấn giữ khung thành liên tục thay đổi áo. Khi thủ môn mặc áo đỏ thì chỉ có 54% cú sút thành bàn. Tỷ lệ lọt lưới với áo màu vàng là 69%, xanh lam là 72%, còn xanh lục là 75%.
Lý do là bởi màu đỏ gắn liền với nguy hiểm, uy thế hay sự giận dữ. Theo lý thuyết, những lúc cảm thấy căng thẳng, chúng ta tập trung vào màu này nhiều hơn, do đó có xu hướng sút thẳng vào nó.