Được mệnh danh là “Thành phố nổi” với vô số kênh đào và cây cầu nối liền 118 hòn đảo nhỏ, những ngôi nhà ở Venice không xây trực tiếp trên đảo mà nằm trên sàn gỗ có cọc cắm sâu vào nền đất.
Bí quyết tạo nên thành phố tuyệt đẹp Venice
Thành phố Venice ra đời vào thế kỷ thứ 5. Sau khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, người phương bắc tràn vào các lãnh thổ trước đây thuộc về Rome. Để tránh bị tấn công, người Venice ở đất liền trốn đến những đầm lầy ở lân cận, và tìm thấy nơi lánh nạn trên các hòn đảo cát Torcello, Iesolo và Malamocco.
Lúc đầu việc định cư chỉ mang tính tạm thời, nhưng người Venice dần sinh sống cố định trên các hòn đảo. Nhằm tạo nền móng vững chắc cho những ngôi nhà, người Venice đóng những chiếc cọc gỗ xuống nền cát. Tiếp đó, sàn gỗ được dựng lên bên trên những cọc gỗ. Cuối cùng, họ xây nhà trên các tấm sàn gỗ này.
Thành phố Venice nổi trên mặt nước. (Ảnh: Jayhawks Abroad).
Một cuốn sách vào thế kỷ 17 từng miêu tả chi tiết quá trình xây dựng ở Venice. Theo cuốn sách, khi xây nhà thờ Santa Maria Della Salute, những công nhân đã đóng 1.106.657 chiếc cọc gỗ dài 4 mét xuống dưới nước. Họ hoàn thành việc đóng cọc sau hai năm hai tháng. Gỗ được lấy từ những cánh rừng ở Slovenia, Croatia, Montenegro và chở đến Venice qua đường thủy.
Sử dụng gỗ như một vật liệu làm móng có vẻ kỳ lạ, bởi gỗ kém bền hơn nhiều so với đá hoặc kim loại. Bí quyết cho sự trường tồn của lớp móng gỗ ở Venice nằm ở chỗ các cây cọc bị ngập dưới nước. Gỗ thường mục nát do các tổ chức vi sinh vật như nấm và vi khuẩn. Cọc gỗ đỡ nền móng của Venice nằm ngập dưới nước nên không tiếp xúc với oxy, một yếu tố rất cần thiết để vi sinh vật tồn tại. Ngoài ra, nước muối thường xuyên chảy qua khiến gỗ hóa thạch sau thời gian dài, trở thành một kết cấu cứng như đá.
Nhờ nước bao quanh, Venice có ưu thế đặc biệt so với các thành phố láng giềng. Venice an toàn trước những đợt xâm lược của quân thù và trở thành thành phố hùng mạnh ở vùng biển Địa Trung Hải. Thành phố Venice bắt đầu suy tàn vào thế kỷ 15, sau đó nằm dưới quyền cai trị của Napoleon vào năm 1797.
Ngày nay, vũng ven biển từng bảo vệ Venice trước vô số đợt xâm lược của nước ngoài đang là mối đe dọa lớn nhất đối với thành phố. Gió mạnh, bão và mưa nặng hạt khiến nước triều lên cao, dẫn đến lũ lụt. Trong những năm gần đây, hiện tượng này ngày càng phổ biến bởi mực nước biển dâng do thay đổi khí hậu.