Biến đổi gene khiến người châu Á đỏ mặt khi uống rượu

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Tiến hóa sinh học BMC tháng 1/2010, lúa gạo được xem là nguyên nhân gây biến đổi gene khiến người châu Á có phản ứng đỏ mặt khi uống rượu.

Bing Su, nhà di truyền học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu gene của 2.275 người từ 38 dân tộc khắp khu vực Đông Á.

Qua đó, Su đã tìm thấy đột biến đã thay đổi mã gene của một loại enzyme có tác dụng làm tăng tốc độ chuyển hoá cồn lên tới 100 lần so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng đỏ mặt ở người uống rượu.

Gạo là nguyên nhân gây biến đổi gene khiến người châu Á đỏ mặt khi uống rượu.

Biến đổi gene này xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm tại khu vực phía Nam Trung Quốc, cùng thời điểm cư dân bắt đầu trồng lúa dọc sông Dương Tử. Biến đổi gene được phát hiện chủ yếu ở khu vực châu Á và rất ít ở châu Âu và châu Phi. Có tới 70% người Hán mang gene này trong khi các nhóm người Tây Tạng chỉ có 17%.

Ông Su giải thích rằng, sự đột biến gene lan rộng khắp châu Á và hướng tới châu Âu cùng với sự mở rộng canh tác lúa nước. Hiện tượng engyme loại bỏ cồn ra khỏi máu một cách nhanh chóng đã bảo vệ người uống trước những tác dụng tiêu cực của rượu và người mang gene này có nguy cơ nghiện rượu thấp.

Tuy nhiên, chuyên gia di truyền học Kenneth Kidd, Đại học Yale (Mỹ) cho rằng, giải thích như trên là quá đơn giản nhưng đồng ý những tác động của văn hoá có thể đã tạo nên sự biến đổi gene gây đỏ mặt khi uống rượu ở những người châu Á.

 

Theo Báo Đất Việt (Newscientist)