Các nhà khoa học dự đoán khoảng 5.500 sông băng trên nóc nhà của thế giới sẽ biến mất hoặc rút đi nghiêm trọng vào cuối thế kỷ 21, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp và thủy điện.
5.500 sông băng Everest có thể biến mất vì biến đổi khí hậu
Nhóm nghiên cứu đến từ Nepal, Pháp và Hà Lan cho biết nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, đến năm 2100, 5.500 sông băng ở vùng Hindu Kush-Himalaya sẽ tan chảy và mất đi khoảng 70-99%.
Biến đổi khí hậu khiến băng tan chảy và các sông băng có nguy cơ biến mất. (Ảnh: Alamy)
Đây là nghiên cứu đầu tiên dự đoán ảnh hưởng của các sông băng ở Himalaya trong điều kiện nhiệt độ tăng. Điều này phụ thuộc lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia và cách lượng khí thải này ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng tuyết và lượng mưa trong khu vực. Theo đó, nhiệt độ tăng không chỉ tăng tỷ lệ tuyết và băng tan mà còn ảnh hưởng đến lượng mưa do tuyết tạo thành tại những độ cao nhất định, nơi tập trung sông băng.
Các chuyên gia nghiên cứu chủ yếu ở các dải băng ở lòng chảo Dudh Kosi, thuộc dãy Himalaya trên đất Nepal và nhận định những sông băng ở thấp hơn sẽ tan nhanh hơn. Mức đóng băng hồi tháng một là 3.200 m và 5.500 m vào tháng 8. Theo nhà khoa học Walter Immerzeel của Đại học Utrecht (Hà Lan), đến năm 2100, mức đóng băng sẽ cao thêm 800-1.200 m. Điều này không chỉ giảm lượng tuyết tích tụ trên các dải băng mà còn khiến trên 90% diện tích đất được băng bao phủ lộ ra trong những tháng nóng.
Ngành nông nghiệp cũng như thủy điện sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do băng tan. Hiện nay, cuộc sống của hơn một tỷ người dân châu Á phụ thuộc vào những con sông bắt nguồn từ dải băng trên các đỉnh núi của dãy Himalaya. Tốc độ tan chảy nhanh hơn sẽ khiến dòng chảy tăng lên, tuy nhiên lượng nước chảy xuống từ các dải băng sẽ giảm dần trong những mùa nóng. Băng tan cũng ảnh hưởng đến việc kiến tạo và mở rộng của các hồ vốn hình thành nhờ băng tuyết. Lở tuyết và động đất có thể làm vỡ đập, gây lũ lụt nghiêm trọng.
Theo VnExpress