Biến đổi khí hậu có thể tác động lên sự tiến hoá của loài ếch

Biến đổi khí hậu có thể tác động lên sự tiến hoá của loài ếch

Justin Touchon – nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi quá trình tiến hoá của loài ếch.

Hầu hết trong số hơn 6.000 loài ếch trên thế giới đẻ trứng trong nước, nhưng các loài ếch nhiệt đới thì không. Hành vi này giúp bảo vệ trứng của chúng khỏi các loài ăn thịt như cá và nòng nọc, nhưng cũng tăng nguy cơ trứng của chúng bị khô.

Biến đổi khí hậu có thể tác động lên sự tiến hoá của loài ếch

Touchon đã tiến hành phân tích các số liệu dài hạn về lượng mưa tại kênh đào Panama, anh đã phát hiện ra rằng lượng mưa tại khu vực này thay đổi đúng như mô hình dự đoán biến đổi khí hậu.

“Trong bốn thập niên qua, lượng mưa đã giảm trong suốt mùa mưa, số ngày mưa giảm và khoảng cách giữa các cơn bão tăng lên”, Touchon nói.

Những quả trứng của ếch cây (pantless treefrog) rất dễ bị khô. Các phôi của chúng sẽ chết trong vòng một ngày khi không có mưa. Mưa lớn kích thích sinh sản, do đó khi những cơn bão trở nên rải rác, khả năng có mưa trong vòng một ngày để ếch đẻ trứng giảm xuống.

Khi mô hình thời tiết thay đổi, lợi thế của việc không đẻ trứng dưới nước giảm, không chỉ đối với ếch cây mà còn có khả năng xảy ra đối với nhiều loài. “Ếch cây có thể chuyển sang đẻ trứng trong nước hoặc trên lá, để chúng có thể khắc phục được những thay đổi về lượng mưa tốt hơn so với các loài khác đã bị mất khả năng đẻ trứng dưới nước”, Touchon nói. “Linh hoạt về nơi đẻ trứng sẽ mang lại cho ếch cây nhiều lựa chọn hơn cho phép chúng quyết định môi trường sống sẽ làm tăng khả năng sống sót của con cái chúng”.

 

Theo Phạm Thị Bích Thu (Sciencedaily)