Biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính dài 10 triệu năm trên sao Hỏa

Biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính dài 10 triệu năm trên sao Hỏa

Khí nhà kính tích tụ trong khí quyển khiến nhiệt độ sao Hỏa tăng cao, làm xuất hiện thời kỳ ấm áp kéo dài, có thời điểm lên đến 10 triệu năm.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters của trường Đại học Pennsylvania, Mỹ cho rằng biến đổi khí hậu có thể đã diễn ra trong một thời gian cực dài trên sao Hỏa, Business Insider hôm 11/12 đưa tin.

Sự tích tụ khí nhà kính là nguyên nhân gây ra chu kỳ thời tiết trên hành tinh Đỏ, làm xuất hiện các giai đoạn ấm áp kéo dài, có thời điểm lên đến 10 triệu năm. Nó cũng tạo ra lượng nước đủ lớn để các dòng sông chảy mòn mặt đất.

Biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính dài 10 triệu năm trên sao Hỏa
Biến đổi khí hậu có thể kéo dài đến 10 triệu năm trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA).

Khí nhà kính có thể tích lũy trong khí quyển từ các vụ phun trào núi lửa, dung nham nguội trên bề mặt hoặc thoát ra từ vỏ hành tinh. Mưa thường loại bỏ một số chất khí, nhưng sao Hỏa thuở sơ khai rất lạnh và ít mưa, vì thế quá trình này không thể duy trì.

“Do môi trường lạnh nên sao Hỏa không hấp thụ được toàn bộ lượng carbon vào bề mặt hành tinh. Thay vào đó, chúng tích tụ trong bầu khí quyển, gây ra hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ hành tinh tăng dần”, Natasha Batalha, nghiên cứu sinh ngành thiên văn học và vật lý thiên văn tại trường Đại học Pennsylvania, cho biết.

Nhiệm vụ của các nhà khoa học bây giờ là chỉ ra lượng khí carbon dioxide (CO2) và hydro (H2) được tạo ra trên sao Hỏa. Họ sẽ phải tìm kiếm dấu hiệu của đá cacbonat lắng đọng sâu trong bề mặt hành tinh để giải đáp vấn đề này. Đá cacbonat được tạo ra từ mưa axit, xuất hiện do lượng lớn CO2 tích tụ trong bầu khí quyển.

“Chúng ta có thể phát hiện nhiều loại cacbonat khác nhau nếu đào sâu hơn xuống bề mặt hành tinh Đỏ trong lần thám hiểm tiếp theo”, Jim Kasting, giáo sư địa chất học tại trường Đại học bang Pennsylvania, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

 

Theo VnExpress