Trong khi nhiệt độ tại nhiều nơi trên thế giới đạt mức cao kỷ lục trong năm 2015 thì lạ thay, một vùng biển ở phía nam Greenland lại đạt nhiệt độ thấp nhất. Các nhà khoa học sợ rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy các dòng hải lưu khổng lồ ở Bắc Đại Tây Dương đã chậm lại do một lượng băng cực kỳ lớn đã tan chảy và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng đáng sợ hơn.
Nhiệt độ bề mặt nước biển tại Greenland xuống thấp kỉ lục
Kể từ đầu năm nay, các nhà khoa học tại Trung tâm khí tượng thủy văn Hoa Kỳ (NOAA) đã theo dõi và phát hiện sự giảm nhiệt độ bất thường tại vùng biển phía nam Greenland và Iceland, một số khu vực trong đó còn đạt mức nhiệt độ thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Điều đáng nói là điều đó xảy ra trong suốt mùa hè vừa rồi, khi mà nhiệt độ tại hầu hết các nơi trên thế giới lại tăng cao kỷ lục.
Thống kê nhiệt độ toàn cầu trong năm 2015, đốm tròn màu xanh dương nằm ở đảo Greenland tương ứng với nhiệt độ lạnh bất thường.
Trước hiện tượng này, các nhà khoa học đã đưa ra một giải thích khả dĩ là các khối băng khổng lồ tại Greenland đã tan chảy và đổ ra biển, làm rối loạn cơ chế điều khiển các dòng hải lưu do nhiệt năng tại Bắc Đại Tây Dương. Cơ chế tạo nên dòng chảy khổng lồ này là lượng nước biển lạnh, độ mặn cao ở bề mặt sẽ đi xuống bên dưới đáy biển. Hải lưu có vai trò rất quan trọng trong việc xác định khí hậu của các lục địa.
Tuy nhiên các nhà khoa học sợ rằng cơ chế đó đã bị rối loạn do lượng nước lạnh từ các tảng băng tan ra. Lớp nước ngọt, nhiệt độ thấp sẽ vẫn nằm ở trên bề mặt biển mà không di chuyển xuống dưới (gradient nồng độ) và điều này sẽ làm rối loạn hoạt động của các dòng hải lưu.
Hồi đầu năm nay, các nhà khoa học tại Met Office Hadley Center dẫn đầu bởi giáo sư Leon Hermanson đã công bố một nghiên cứu cho thấy hải lưu Đại Tây Dương – nước ấm, mặn, trên bề mặt ở phía bắc và lạnh, sâu dưới đáy biển ở phía nam – đã bị chậm lại từ 15 đến 20% trong suốt thế kỷ 20. Mặt khác, họ cho rằng những cơn gió mạnh thổi qua Đại Tây Dương cũng góp phần dẫn tới hiện tượng lần này.
Các nhà khoa học cho rằng nếu băng tiếp tục tan, đồng nghĩa với Trái Đất tiếp tục nóng lên thì hiện tượng tương tự sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi khác trên Trái Đất chứ không chỉ tại Greenland. Mặc dù ảnh hưởng của nó không khủng khiếp ở hiện tại nhưng cứ tiếp diễn như thế, nước biển không chỉ dâng lên nhấn chìm lục địa mà còn gây nên hàng loạt hiện tượng thời tiết khắt nghiệt khác trong tương lai.
Theo Tinh Tế