Với dân số 127 triệu người, Nhật mất đi hàng năm 90.000 tấn gỗ để sản xuất các đôi đũa “dùng một lần” rồi bỏ. Chính phủ Nhật đang dự định biến những đôi đũa đã xài rồi thành nhiên liệu sinh học để tiết kiệm.
Là một nước có rất ít tài nguyên năng lượng tự nhiên, Nhật xem nhiên liệu sinh học như là một nguồn năng lượng thay thế có lợi cho môi trường, làm nhẹ bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp chất đốt từ nước ngoài, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
(Ảnh: Worldnewsaustralia) |
Nhà hàng, quán ăn ở Nhật thường phục vụ tất cả khách hàng bằng đũa “dùng 1 lần”. Vì thế, để tận dụng nguồn nguyên liệu này vào việc chế tạo nhiên liệu sinh học, ông Toyohisa Aoyama, một quan chức của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật, cho biết Bộ sẽ lắp đặt thùng để thu gom đũa “dùng 1 lần” đã qua sử dụng.
Hiện nay, khoảng 90% đũa loại này Nhật được nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu được sản xuất từ tre và gỗ cây dương.
Đầu tháng 8 vừa qua, một hiệp hội thực phẩm ở Trung Quốc kêu gọi chấm dứt việc sử dụng đũa “dùng 1 lần” để góp phần làm nên một Thế vận hội “xanh” vào năm tới. Theo hiệp hội, hàng năm nước này có đến 45 tỉ đôi đũa “dùng một lần” bị vứt bỏ sau khi sử dụng.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật cho biết sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí để đầu tư cho dự án này. Bộ cũng dự kiến sẽ nghiên cứu việc tận dụng những nguồn nguyên liệu khác để sản xuất nhiên liệu sinh học dùng cho xe hơi.
Ông Aoyama nói: “Chúng tôi sẽ cân nhắc các mặt lợi và hại trong tiến trình thu gom, xử lý và chế biến gỗ thành nhiên liệu sinh học”.
Ethanol, loại dầu sinh học nổi tiếng nhất hiện nay, được chế biến từ nguyên liệu có nguốn gốc thực phẩm như củ cải đường, lúa mì, bắp hoặc mía.
Quang Thịnh
Theo AFP, World News Australia, VietNamNet