Vùng duyên hải và biển Kiên Giang, vừa được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là khu bảo tồn sinh quyển thế giới.
Một góc biển Dương Đông, Phú Quốc, KIên Giang (Ảnh: kiengiang.gov.vn) |
Quyết định trên được đưa ra tại khóa họp lần thứ 19 Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (MAB) thuộc UNESCO, diễn ra từ ngày 23 – 27/10 tại Pari (Pháp).
Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 5 khu bảo tồn sinh quyển thế giới gồm Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, đồng bằng sông Hồng và Kiên Giang.
Tại khoá họp này, Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối quốc tế MAB đại diện cho nhóm các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Khóa họp đã nhất trí bầu Thụy Điển làm Chủ tịch Hội đồng MAB. Cùng với Việt Nam, Nga, Chilê, Êtiôpi và Xuđăng được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng đại diện cho các nhóm nước.
Trong một diễn biến khác, ngày 27/10, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã thông qua quyết định công nhận thêm 25 khu bảo tồn sinh quyển trên thế giới.
Các khu bảo tồn sinh thái được công nhận lần này có rặng san hô Alacranét, vùng núi lửa Tanaca và khu cư trú của loài bướm chúa ở Mêhicô, vùng núi Bêgia của Pháp, vùng sinh thái lưu vực sông Vônga của Nga tại Samara Tôgliatti…
Với quyết định mới, trong mạng lưới sinh thái trên thế giới hiện có tổng cộng 507 khu bảo tồn phân bố tại 102 nước.
Theo TTXVN, VietNamNet