Mỗi giờ chiếc máy này có thể sản xuất được 300 lít nước tinh khiết, tiêu tốn lượng điện năng chỉ 610 W, quy ra tiền chỉ vài trăm đồng. Hiện máy đã được lắp đặt ở hơn 10 trường học, cơ sở sản xuất.
Đó là giải pháp hữu ích do kỹ sư Võ Phú Quốc, hiện đang là giáo viên khoa Điện của Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (thuộc Bộ Công nghiệp), nghĩ ra và chế tạo thành công.
Xử lý triệt để vi sinh, lọc được độc tố
Trăn trở trước việc nhiều vùng ở Phú Yên người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, từ năm 2003, kỹ sư Võ Phú Quốc đã bắt tay nghiên cứu giải pháp nước sạch cho cộng đồng. Không lâu sau đó, chiếc máy lọc nước ra đời.
Học sinh Trường cấp 2-3 Sơn Thành đang sử dụng nước lọc từ hệ thống máy lọc của kỹ sư Võ Phú Quốc (Ảnh: TTO) |
Nhìn bề ngoài, chiếc máy khá gọn nhẹ: dài 65 cm, rộng 40 cm và cao 150 cm. Máy có 3 hệ thống chính: xử lý vật lý – hóa học, tinh lọc và diệt khuẩn. Hệ thống xử lý vật lý – hóa học gồm 3 cột đứng có chức năng lọc khử sắt, làm mềm nước cứng bằng hạt cation và khử độc tố trong nước bằng than hoạt tính. Hệ thống tinh lọc cho phép lọc cặn không tan đến 0,2µm, đạt chuẩn nước uống trực tiếp theo tiêu chuẩn VN. Hệ thống diệt khuẩn được xử lý gần như triệt để khi sử dụng đồng thời tia cực tím và máy ozone. Những nơi có nguồn nước máy thì cho nước chảy trực tiếp qua máy, nơi khác phải cần đến một máy bơm điện.
Anh Võ Phú Quốc cho biết: “Chiếc máy này không những xử lý triệt để vi sinh mà còn lọc được những độc tố thường gặp trong nước như flour, sắt, chì, thủy ngân…; xử lý nước cứng (Mg2+, Ca2+)”. Ngoài ra, tùy theo chất lượng nước của từng vùng sau khi được phân tích, kỹ sư Quốc nghiên cứu tăng cường thiết bị tinh lọc để nước đạt các tiêu chuẩn cần thiết.
“Ví dụ như nước ở Trường THPT Trần Phú (Chí Thạnh, Tuy An) có hàm lượng sắt khá cao, ở Trường cấp 2-3 Sơn Thành (huyện Tây Hòa) thì là nước cứng và nhiễm flour… Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên cho thấy máy này xử lý rất tốt. Chúng tôi cũng đã lắp đặt hệ thống cho công trường Thủy điện Sông Ba Hạ. Đây là nơi khó xử lý nhất vì nước sông Ba rất đục, có nhiều tạp chất. Chúng tôi phải dùng hóa chất để tạo kết tủa, sau đó nước được đưa đến bể xử lý sơ bộ và cuối cùng mới đi qua máy tinh lọc, cho nước đạt tiêu chuẩn uống trực tiếp”, kỹ sư Quốc nói.
Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền sản xuất loại máy này cho kỹ sư Quốc.
1 m3 nước tinh khiết giá… 1.500 đồng
Kỹ sư Võ Phú Quốc nói thiết bị sản xuất nước sạch cho cộng đồng của anh gần giống với hệ thống ở các cơ sở sản xuất nước tinh khiết. Tuy nhiên, điểm khác biệt là giá cả. “Một chiếc máy do tôi sản xuất giá chưa đến 30 triệu đồng, chỉ bằng 1/7 so với chiếc máy sản xuất nước tinh khiết rẻ nhất nhập ngoại đang có ở TP Tuy Hòa này”, anh cho biết.
Không chỉ ưu thế giá rẻ, chiếc máy sản xuất nước tinh khiết này tiêu thụ điện năng rất ít với tổng công suất mỗi giờ chỉ 610 W. Với công suất sản xuất 300 lít/giờ, mỗi mét khối nước tinh khiết do máy sản xuất tốn hơn 3 giờ và tiêu thụ lượng điện khoảng 2 KW, nghĩa là chưa đến 1.500 đồng – bằng một nửa tiền của chai nước tinh khiết loại 500 ml.
Khi được hỏi, người sử dụng đều cho rằng chiếc máy rất tiện ích. Thầy Nguyễn Đình Thương, Hiệu trưởng Trường cấp 2-3 Sơn Thành, nói: Trường chúng tôi bình quân mỗi năm có khoảng 1.200 học sinh nên nhu cầu sử dụng nước uống là khá lớn. Trước kia, thường khi đi học, học sinh phải mang theo nước để uống. Kể từ ngày lắp đặt máy lọc nước sạch này, cả học sinh và thầy cô trong trường sử dụng thoải mái vì máy lọc có công suất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Phòng Hành chính, Tổ chức Trường Dạy nghề Phú Yên cũng cho biết máy lọc nước của thầy Quốc đã đáp ứng tốt nhu cầu của ngôi trường với 3.000 học sinh.
Đến nay, máy này đã được lắp đặt ở 12 trường học và đơn vị tại Phú Yên, 1 trường học ở Huế và hiện đang nhận đơn đặt hàng của một số khách hàng ở Khánh Hòa, Nghệ An…
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG
Theo Người lao động, Tuổi trẻ