Sau khi dịch lở mồm long móng xuất hiện, mọi người thường dự phòng bằng cách tiêu hủy số lượng lớn gia súc. Một nghiên cứu mới nhất của Anh cho thấy, trên thực tế, các con vật nuôi từ khi biểu hiện các triệu chứng của dịch cho tới khi bắt đầu lây bệnh là cả một khoảng thời gian.
Tiêm vaccine thú ý phòng chống dịch lở mồm long móng. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN). |
Nếu trong khoảng thời gian này, những con vật bị bệnh được phát hiện, có thể tránh được tình trạng tiêu hủy những con vật khỏe mạnh khác nhằm giảm thiểu tổn thất kinh tế.
Báo cáo của Viện thú y Anh đăng trên tạp chí Khoa học của Mỹ số ra mới nhất cho thấy, các chuyên gia đã tiến hành một thí nghiệm về cơ chế lây truyền bệnh lở mồm long móng, theo đó cho tám con bò tiếp xúc với virus lở mồm long móng và ghi chép lại quá trình lây truyền của virus này.
Toàn bộ quá trình thí nghiệm được giám sát hết sức chặt chẽ. Kết quả cho thấy, không phải cứ đàn bò nào có một con bị nhiễm bệnh lở mồm long móng là toàn bộ cả đàn đều có vấn đề. Mỗi con bò từ khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh lở mồm long móng đến khi bắt đầu có dấu hiệu truyền nhiễm là cả một khoảng thời gian, bình quân khoảng 0,5 ngày.
Chuyên gia Brian Charleston, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết, đây là lần đầu tiên họ tiến hành nghiên cứu quan sát quá trình truyền nhiễm của virus lở mồm long móng một cách tỉ mỉ như vậy. Kết quả cho thấy nếu trong thời gian con bò bị bệnh xuất hiện triệu chứng mà khả năng lây truyền chưa đủ mạnh thì chúng ta nên tiêu hủy nhằm tránh tình trạng sử dụng cách thức tiêu hủy toàn bộ gia súc gồm cả những con chưa bị nhiễm bệnh để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Lở mồm long móng là một loại dịch bệnh truyền nhiễm ở gia súc, cừu, lợn và động vật có móng guốc khác. Triệu chứng chủ yếu ở các con vật nhiễm bệnh là sốt, niêm mạc miệng và móng của chúng xuất hiện các mụn nước và lở loét.
Dịch lở mồm long móng rất ít khi lan truyền sang con người, song nếu như tiếp xúc quá nhiều với các con vật bị bệnh thì con người cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Theo Vietnam+