Ngoài việc đem đến cái nhìn khái quát về sự tiến hoá của cơ quan nhận cảm estrogen, nghiên cứu của một nhóm học giả tại Đại học Carlifornia, San Diego có thể dẫn tới một biện pháp ngăn ngừa thụ thai cho cá miệng tròn cái. Giống cá không hàm này được coi là loài xâm hại ồ ạt ở Hồ Lớn của Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng với khu vực Hồ Lớn, nơi mà cá miệng tròn đang ăn thịt các giống cá hồi, cá tầm và một số giống cá khác.
Giáo sư Michael E. Baker tại Đại học Carlifornia cho biết: “Kể từ khi cá miệng tròn biển được đưa vào Hồ Lớn, ngành khai thác thuỷ sản đã bị tàn phá nặng nề. Do đó, việc kiểm soát số lượng quần thể này thu hút rất nhiều sự chú ý. Nghiên cứu của chúng tôi đưa đến một biện pháp tránh thụ thai cho cá miệng tròn cái, từ đó khống chế việc sinh sản của giống cá này.” Kết quả nghiên cứu này được đăng trên PloS ONE ngày 25/6.
Miệng của cá miệng tròn. (Ảnh: Wikimedia Commons) |
Cá miệng tròn tiến hoá khoảng 450 triệu năm trước, trước khi cá mập xuất hiện. Khác với cá mập, cá và các động vật có xương trên mặt đất, cá miệng tròn không có hàm. Chúng ăn các con cá khác bằng cách bám chặt và mút cơ thể con mồi. Việc tiêu thụ quá nhiều một số loài cá đã loại đi đối thủ tự nhiên của cá trích Mỹ, một loài khác đang gia tăng ồ ạt tại Hồ Lớn. Quần thể cá trích Mỹ bùng nổ với số lượng lớn, gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho nhiều loài cá khác.
Trong một phần chương trình nhằm tìm hiểu sự tiến hoá của việc truyền tín hiệu hocmôn steroid, các nhà nghiên cứu tại Đại học Carlifornia mô tả vị trí kết nối estrogen trên cơ quan nhận cảm estrogen của cá miệng tròn. Để làm được điều này, Baker cùng với David Chang, sinh viên khoa sinh học Đại học Carlifornia và Charlie Chandsawangbhuwana, sinh viên cao học ngành công nghệ sinh học tại Trường kĩ thuật Jacobs thuộc Đại học Carlifornia đã xây dựng mô hình 3-D mô tả cấu trúc cơ quan nhận cảm estrogen của cá miệng tròn.
Estrogen hoạt động ở cá miệng tròn vẫn còn là một điều bí ẩn mặc dù nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực này gợi ý rằng estrogen của cá miệng tròn có chứa nhóm 15alpha-hydroxyl, trong khi estrogen của động vật có xương thì không. Mô hình này đã hé mở sự tương tác độc nhất giữa 15alpha-hydroxy-estradiol và một amino axit có tên là methionine. Sự tương tác như vậy chỉ được tìm thấy duy nhất ở cơ quan nhận cảm estrogen cá miệng tròn.
Baker cho biết: “Sự tương tác độc đáo này gợi ý rằng có những hợp chất gắn kết với cơ quan nhận cảm estrogen cá miệng tròn nhưng không gắn kết với cơ quan nhận cảm estrogen của các động vật khác.” Ông cũng thêm rằng một vài trong những hợp chất này có thể can thiệp tới hoạt động của estrogen và có tác dụng ngừa thụ thai ở con cái. Một biện pháp kiểm soát số lượng cá miệng tròn có thể được phát triển từ cơ sở này.
Theo G2V Star (ScienceDaily)