Một tấn rơm rạ dùng vào việc trồng nấm có thể thu lãi từ 3 – 5 triệu đồng. Thế nhưng bà con nông dân vẫn đốt đi hàng nghìn tấn rơm sau mỗi vụ gặt.
Theo Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) nếu dùng 100 tấn rơm khô để trồng nấm, sẽ tạo ra khoảng 30 nghìn tấn nấm (nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm) cho giá trị thành tiền ít nhất là trên 200 triệu đồng.
Đốt rơm = đốt tiền
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là hầu hết nông dân chỉ coi rơm là rác, một thứ phế thải nông nghiệp cần dọn sạch và đốt đi sau mỗi vụ gặt. Thậm chí bà con còn vứt rơm nơi lòng đường, dưới cống nước không những gây lãng phí nguồn nguyên liệu mà còn gây ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông.
Khi được hỏi tại sao lại đem đốt rơm, một số nông dân xã Hải Bối, huyện Đông Anh trả lời: Do không có trâu, bò để nuôi, vả lại rơm cũng không bán được nên không đốt đi thì để làm gì? Không chỉ riêng với nông dân xã Hải Bối, ở nhiều nơi, nông dân vẫn còn chưa biết rơm đã và đang là một nguồn nguyên liệu quý giá dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và nhất là dùng để sản xuất nấm. Bởi trồng nấm rơm không đòi hỏi cao về kỹ thuật, không chiếm nhiều diện tích, chủ yếu tận dụng diện tích trống. Chi phí đầu tư thấp, nhanh thu lời và tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân.
Hiện nay, cả thị trường trong nước và ngoài nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu đều có nhu cầu rất lớn về nấm với mức giá trong nước dao động trung bình từ 8.500- 12.000đ/1kg nấm tươi, có những lúc khan hiếm, giá nấm cao điểm lên đến vài chục nghìn đồng/1kg.
Cung không đủ cầu
Bà Nguyễn Thị Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật (TT CNSH TV) cho biết: “Trung bình một ngày, Hà Nội tiêu thụ từ 3.000 – 4.000 tấn nấm thành phẩm, tương đương sản lượng nấm mà Trung tâm sản xuất được trong cả một năm”. Cũng theo bà Sơn, nhu cầu thị trường tiêu dùng đối với các loại nấm nhất là nấm rơm là rất lớn nhưng chúng ta chưa bao giờ đáp ứng đủ.
Năm 2010, Trung Quốc đặt mua của Trung tâm 2.000 tấn nấm mỡ và Trung tâm đã phải dốc toàn sức mới có thể hoàn thành đủ số lượng nấm mà khách hàng cần. Ông Đỗ Đức Thịnh, giám đốc công ty nông sản ĐT (Mê Linh – Hà Nội) cho biết, thường xuyên không có đủ nguồn hàng nấm để bán ra thị trường, nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới khi mà nhu cầu tiêu thụ sẽ còn tăng cao.
Vậy nguyên nhân do đâu? Hiện nay, toàn miền Bắc mới có một vài tỉnh trồng nhiều nấm rơm và có hiệu quả như Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng. Toàn vùng nông nghiệp rộng lớn của Hà Nội cũng mới chỉ có huyện Đan Phượng được coi là có phong trào trồng nấm.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp thì cho rằng nhiều hộ nông dân trồng nấm đã thoát nghèo, mỗi năm thu lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng nhưng thị trường vẫn luôn “khát” nấm bởi đến nay vẫn chưa có các mô hình và các trung tâm để phát triển nghề trồng nấm cho bà con nông dân.
Đừng để dân “tự bơi”
Thực tế cho thấy, nghề trồng nấm hiện nay đang phát triển một cách tự phát và manh mún, không có quy hoạch cụ thể, chuyên môn cho các vùng nông nghiệp.
Chỗ nào có phong trào mạnh thì cả làng, cả xã trồng nấm (ví dụ như huyện Nghĩa Hưng, huyện Ý Yên – Nam Định hay huyện Châu Thành A – Hậu Giang; huyện Tam Bình- Vĩnh Long, huyện Châu Thành – Sóc Trăng đã xây dựng được các mô hình, các trung tâm trồng nấm có hiệu quả), còn chỗ nào chưa bao giờ biết đến nghề này thì bỏ qua. Mặc dù lợi thế về đất đai, lao động nông nhàn và nguồn nguyên liệu rơm sau thu hoạch thì chẳng khác nhau là mấy.
Bà Nguyễn Thị Sơn cho biết thêm, nhiều hộ nông dân đã phải lặn lội từ quê lên tận TT CNSH TV để học nghề trồng nấm vì ở địa phương không có ai làm và cũng chẳng có cơ quan, đơn vị nào hướng dẩn cho bà con nghề trồng nấm.
Theo Báo Đất Việt