Một nhà khoa học Philippines đã biến vỏ dừa thành một loại lưới tự huỷ song lại rất bền. Lưới có tác dụng chống xói mòn cho những vùng đất dốc và bờ sông, kích thích thực vật phát triển và tạo việc làm cho nông dân.
Dệt lưới dừa ở Philippines |
Với tên gọi ”lưới dừa”, sản phẩm đã được sử dụng trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại quần đảo này cũng như ở Trung Quốc và Sri Lanka.
Ngoài ra, lưới dừa cũng đã giành Giải nhất của cuộc thi BBC World Challenge 2005. Nó đã vượt qua 456 sản phẩm khác từ 90 nước, đem về cho Justino Arboleda 20.000 đôla.
Sáng kiến của Arboleda bắt nguồn từ một nghiên cứu vào cuối những năm 1980. Nghiên cứu do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ và do Arboleda tiến hành.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy phần lớn nông dân ở vùng Bicol (phía đông Manila) sống dưới mức nghèo đói, không thể kiếm đủ tiền từ những mảnh ruộng nhỏ của họ. Cùi dừa khô là phần duy nhất có giá trị kinh tế, là nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật, xà phòng, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho công nghiệp.
Vỏ dừa là phế phẩm lớn nhất của những vùng trồng dừa. Theo ước tính của Arboleda, Philippines tạo ra 12 tỷ vỏ dừa mỗi năm và 75% trong số này bị vứt bỏ. ”Chúng tôi muốn tạo việc làm cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ, những người thường nhàn rỗi sau mỗi vụ thu hoạch dừa”, ông nói.
Thế là Arboleda đã tìm ra một cách nghiền vỏ dừa, biến chúng thành sợi và mang những sợi này tới các hộ gia đình nông dân. Tại đây, những bà nội trợ sẽ dệt chúng thành một loại sợi rất chắc để làm lưới.
Arboleda cho biết lưới dừa của ông không chỉ chống xói mòn cho đất. Nó còn hấp thụ nước, ngăn đất bị mưa bào mòn, đồng thời là tạo ra một lớp màu mỡ để thực vật sinh trưởng. Trong các cuộc thử nghiệm, sợi dừa có thể tồn tại tới 4 năm ở điều kiện ngập trong nước.
Lưới dừa hiện được sử dụng để giữ đất lộ thiên trong các dự án xây đập, đường quốc lộ tại Philippines, ngăn chặn lở đất trong các dự án xây nhà ở sườn đồi, phủ các bãi chôn lấp rác… Arboleda đã thành lập một công ty chuyên sản xuất loại lưới này, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nông dân trong vùng.
Minh Sơn
Theo VietNamNet/AFP