Biếng ăn là biểu hiện rất phổ biến ở trẻ em. Biếng ăn có khi chỉ biểu hiện thoáng qua trong một thời gian ngắn, có khi lại kéo dài khiến cha mẹ “đau đầu” và cũng là một trong những nguyên nhân gây tranh cãi giữa các thành viên trong gia đình về vấn đề chăm sóc trẻ.
Vậy khi nào thì trẻ được gọi là biếng ăn? Theo tác giả Macchii và Cohen (1990), biếng ăn là khi trẻ ăn không đủ, thường kén chọn thức ăn, thường xuyên ăn chậm và không hứng thú khi ăn uống. Còn theo tác giả Chatoor (1998) thì biếng ăn khi trẻ từ chối ăn trong vòng một tháng, không tăng trưởng làm cho cha mẹ lo lắng.
Có nhiều nguyên nhân làm trẻ biếng ăn:
– Lượng thức ăn quá nhiều khiến trẻ sợ, thức ăn không phù hợp – thức ăn cứng quá hoặc là khi đã có răng trẻ thích nhai mà cha mẹ cứ bắt ăn cháo thậm chí cho xay cháo thành bột khiến trẻ không thích.
– Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn không cân đối: Chỉ toàn ăn thịt, cá, chất đạm khiến trẻ chán và no lâu không chịu ăn.
– Bởi các tập quán gia đình, văn hóa từng vùng miền.
– Bản thân trẻ không thấy thèm ăn, trẻ có tính khí khó chịu hoặc quá nhạy cảm với các giác quan như ngửi mùi thức ăn thấy sợ, rối lọan vận động ở miệng, bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc trẻ bị các bệnh mạn tính hoặc cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy,…
– Về phía người chăm sóc trẻ cũng góp phần không nhỏ đến vấn đề biếng ăn của trẻ. Có tạo ra môi trường ăn thân thiện không? Có nhạy cảm với dấu hiệu đói và no của trẻ không (trẻ đã quá no mà bị ép ăn hoài đâm ra sợ ăn, hoặc khi trẻ còn đói đòi ăn thì lại không cho vì sợ nhiều quá,…). Người nuôi hoặc quá lơ là không nhắc nhở quan tâm đến các bữa ăn của trẻ, hoặc có người thì lại kiểm tra quá gắt các bữa ăn khiến trẻ bị áp lực về tâm lý dẫn đến sợ ăn. Và quan trọng nhất người nuôi chưa hiểu hết về dinh dưỡng, thức ăn không phù hợp lứa tuổi, cho ăn không đúng, cái cần không cho, cái không cần ép ăn hoài làm trẻ chán.
Phải phân biệt giữa biếng ăn và rối loạn nuôi ăn. Chỉ gọi là biếng ăn đối với trẻ từ một tuổi trở lên. Còn trẻ dưới một tuổi, biếng ăn thường do có bệnh lý đi kèm (viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản,…) hoặc trẻ miễn cưỡng khi ăn thức ăn mới, chứng sợ thức ăn mới nên các bậc phụ huynh cũng đừng đổi thức ăn liên tục. Các biểu hiện khó ăn phổ biến ở trẻ từ 02 – 03 tuổi. Chỉ ăn một vài loại thức ăn, thích uống hơn thích ăn, ăn chậm, né tránh ăn,… Các dạng biếng ăn thường gặp: Trẻ không thấy thèm ăn, kén chọn thức ăn, đau quặn bụng, khóc làm ảnh hưởng đến việc cho ăn, bé sợ ăn (nuốt khó chiếm 85%).
Một vài vấn đề liên quan đến biếng ăn cần phải được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa nhi:
- Ác cảm mãn tính với thức ăn, bữa ăn gây nỗi sợ hãi đối với trẻ (đến giờ ăn là khóc là bỏ chạy).
- Có khả năng tăng trưởng hạn chế: không tăng cân liên tục nhiều tháng hoặc tăng cân quá ít (tăng cân < 5%).
- Không hấp thu tốt các dưỡng chất.
- Rối loạn cơ năng và thực thể nghiêm trọng: tình trạng thực thể thường gặp nhất là trào ngược và dị ứng thức ăn.
- Quan hệ không tốt giữa cha mẹ và trẻ thể hiện qua cách tiếp xúc: Tiếp xúc yêu thương thì rối loạn ăn uống của trẻ sẽ giảm. Tiếp xúc tiêu cực thì rối loạn ăn uống của trẻ sẽ tăng.
- Các yếu tố xã hội cũng ảnh hưởng đến vấn đề biếng ăn như phụ thuộc trình độ giáo dục của ba mẹ, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong quá trình nuôi ăn, sự can thiệp quá mức của cha mẹ khi trẻ chơi.
Chẩn đoán biếng ăn không khó nhưng điều trị biếng ăn là một vấn đề rất phức tạp đòi hỏi sự phối hợp tốt, kiên trì, không bỏ cuộc sớm giữa bác sĩ với cha mẹ và cả nhà trường.
Khi nhận thấy con mình biếng ăn, gia đình cần cho trẻ tới gặp bác sĩ dinh dưỡng để khám và tư vấn kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
Chatoor L. etal. Pediatríc 2004;113:e440-7.
Dubois L, etal. Eur J Clin Nutr:2007;61:846-55.
Feldman R, etal, J.Am Acad Child Adolisc Psychiatry 2004;93:2089-97.
Galloway Atetal, J Am Diet Assoc 2005;105:541-8.
Người soạn : BSCK2. Nguyễn Thanh Hương