Lý giải cho hành vi “đột kích” này của bạch tuộc là gì? Tại sao đội bạch tuộc lại bò lên bờ?
Bạch tuộc là một loài vật kỳ lạ. Chúng có 8 chi – đúng hơn là xúc tu, máu màu xanh, và có đến 4 trái tim. Chúng cũng là một trong những sinh vật có trí thông minh lớn nhất thế giới (dù vẻ ngoài có vẻ không giống như thế).
Và mới đây, sự kỳ lạ của bạch tuộc lại tiếp tục dâng cao, khi người ta phát hiện thấy cả một biệt đội bạch tuộc bỗng dưng… bò lổm ngổm trên bờ.
Cụ thể, đoạn video trên do một nhóm du khách ghi lại được trên đường di chuyển tại bờ biển Ceredigion (Xứ Wales, Anh Quốc). Có tới hơn 20 chú bạch tuộc từ dưới mặt nước trườn bò lên bờ vào khoảng sau 10h tối.
“Chúng từ dưới biển bò lên bờ, còn chúng tôi chẳng biết điều gì đã gây ra chuyện đó” – Brett Jones, trưởng đoàn du lịch cho biết.
“Có lẽ lý do là vì thời tiết trên biển gần đây có phần dữ dội, nhưng đúng là tôi chưa thấy chuyện này bao giờ. Chúng giống như đang đi bộ trên bờ biển vậy”.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu hiện tượng bạch tuộc đột kích bờ biển xảy ra. Năm 2011, có một đoạn phim về bạch tuộc bò lên cạn tại Khu bảo tồn đại dương thuộc San Mateo, California. Năm 2015, tiến sĩ David Attenborough cũng thực hiện một phim tài liệu cho BBC về cảnh bạch tuộc bò lên cạn săn mồi.
Thủy triều rút, nhiều loài bạch tuộc bắt đầu xuất hiện để “săn mồi trên các vũng nước còn sót lại”.
Theo Juilan Finn từ Viện bảo tàng Victoria (Úc), đây thực chất không phải là hành vi hiếm ở bạch tuộc. Vấn đề ở đây là bạch tuộc sống về đêm, nên con người thường không quan sát được hiện tượng này.
Nhưng tại sao chúng phải làm vậy? Finn cho biết, nhiều khả năng là vì tìm đồ ăn. Vào ban đêm, thủy triều rút, nhiều loài bạch tuộc bắt đầu xuất hiện để “săn mồi trên các vũng nước còn sót lại”.
Bạch tuộc thở bằng mang, nên chúng cần nước để tồn tại. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể sống trên cạn trong một khoảng thời gian ngắn, miễn là cơ thể và làn da đủ độ ẩm. Chúng có khả năng hấp thụ oxy qua da.
Theo Trí Thức Trẻ