Biểu đồ hoành tráng đầu tiên về 4.000 năm phát triển của lịch sử thế giới đã được tác giả – nhà sử học nghiệp dư John B. Sparks tạo ra và cho xuất bản lần đầu vào năm 1931.
Với tên gọi “Histomap”, biểu đồ lịch sử có quy mô đồ sộ và đầy tham vọng của ông Sparks được thực hiện theo phương pháp phổ biến trong các sách về người thật, việc thật ấn hành trong những năm 1920 – 1930: vạch đề cương, trong đó các đối tượng lớn (lịch sử thế giới, các trường phái triết học, tất cả vật lý học hiện đại) được đúc kết thành một dạng dễ hiểu đối với cả những người bình thường, có học vấn sơ đẳng nhất.
Ảnh: datavis.ca
Mỗi tấm Histomap dài chừng 1,5 mét đã được bán với giá 1 USD và được gấp gọn trong một cuốn bìa màu xanh có in kèm những lời chứng thực của các sử gia và nhà phê bình. Biểu đồ được quảng cáo là: “rõ ràng, sống động và cô đọng tỉ mỉ” nhưng vẫn có khả năng “lôi cuốn người xem” bằng cách tái hiện: “bức tranh chân thực về tiến triển của nền văn minh nhân loại, từ các túp lều bùn của người cổ đại tới sự lộng lẫy của nền quân chủ thời trung cổ và rốt cuộc là toàn cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay ở nước Mỹ”.
Biểu đồ nhấn mạnh vào sự thống trị, sử dụng các màu sắc cho thấy sức mạnh của các dân tộc khác nhau (một vốn hiểu biết gần như mang tính sắc tộc về bản chất của các nhóm người, rất phổ biến vào thời điểm những năm 1920 – 1930) đã tiến hóa suốt chiều dài lịch sử như thế nào.
Hiện vẫn chưa rõ độ rộng của các luồng chảy màu sắc trong biểu đồ ám chỉ điều gì. Nói một cách khác, nếu trục Y của biểu đồ rõ ràng thể hiện thời gian thì trục X đại diện cho cái gì? Liệu ông Sparks có xem lịch sử như một trò chơi có tổng không đổi, trong đó các dân tộc và quốc gia sẽ ganh đua quyết liệt để chia sẻ những nguồn tài nguyên hạn chế hay không? Nếu xét về thời điểm ông tạo ra biểu đồ này – giữa hai cuộc chiến tranh thế giới và bắt đầu một thời kỳ suy thoái lớn – thì đây có thể là suy nghĩ của ông.
Ông Sparks đã nối tiếp thành công của Histomap bằng cách cho xuất bản ít nhất 2 biểu đồ nữa: một về tôn giáo và một về sự tiến hóa.