Những ngày gần đây biển Hàm Tiến – Mũi Né đã xuất hiện những vệt cát bị nhiễm “chất đen” và có mùi dầu.
Từng vệt “cát đen”…
Bãi biển bị nhuốm đen như thế này! – Ảnh: Q.T. |
Dù đã chập choạng tối 15-5 nhưng anh Nguyễn Văn Chi, trưởng bộ phận ẩm thực khu resort Sài Gòn – Mũi Né, vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi “khảo sát nóng” và ghi nhận tình trạng từng vệt đen như bụi than pha lẫn vào cát đang hiện diện ở khu vực bờ biển này… Đặc biệt, nhóm chúng tôi nhặt được không ít những viên mềm mềm màu nâu đen, to cỡ đầu ngón tay cái (tạm gọi là “sỏi dầu”) bị sóng biển đánh dạt vào bờ.
Anh Chi nhặt một viên “sỏi dầu” rồi thử bóp nhẹ… Viên “sỏi dầu” vỡ ra, trông nhão nhoẹt nhưng bám chặt vào tay anh Chi, giống như anh đang bóp phải một loại nhựa đường (dầu hắc)… Anh khẳng định đây là lần đầu tiên khu bờ biển Sài Gòn – Mũi Né gặp phải tình trạng “sỏi dầu” và từng vệt cát đen này.
Nhưng không chỉ có khu vực bờ biển dài khoảng 200m do Sài Gòn – Mũi Né quản lý mà bờ biển tại nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng khác như Biển Xanh, Coco Beach… cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 20km chếch về hướng nam, khu resort Đồi Sứ (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam) nằm trên diện tích 14ha khá qui mô cũng có những vệt cát đen và những viên “sỏi dầu” xuất hiện từ nhiều ngày nay.
Theo lời anh Nguyễn Thiên Nhân – phụ trách kinh doanh khu resort Đồi Sứ – những vệt cát đen và những viên “sỏi dầu” xuất hiện sau dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi và kéo dài cho đến nay. Tương tự, những ngày qua tại khu du lịch Sao Mai (xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết) khoảng 10 công nhân dọn vệ sinh cũng phải làm việc cật lực để xử lý những vệt cát bị nhiễm chất đen và những viên “sỏi dầu” do sóng biển mang vào.
Dầu thô dạt vào?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thu – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – cho biết: “UBND tỉnh Bình Thuận đã nhận được những báo cáo từ ngành tài nguyên và môi trường, ngành du lịch cũng như từ các địa phương về hiện tượng có dầu xuất hiện ở các bãi biển. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố này.
Trên cơ sở đánh giá đó sẽ làm rõ nguyên nhân từ đâu và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố. UBND tỉnh gửi văn bản đến Tổng công ty Dầu khí VN để yêu cầu đơn vị này cùng phối hợp với địa phương khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố… Ngoài ra, tỉnh cũng đã gửi mẫu dầu thu được tại các bãi biển đến các cơ quan chuyên môn để phân tích, đánh giá và tìm nguồn gốc.
UBND tỉnh cũng đã giao cho các sở – ngành liên quan họp các khu du lịch, khu resort đề nghị các doanh nghiệp này tích cực thu gom. Đây là chuyện sống còn của doanh nghiệp nên doanh nghiệp cần chủ động khắc phục sự cố. Riêng những khu vực bãi biển chưa có kinh doanh du lịch thì ban quản lý các khu du lịch phải tổ chức thu gom dầu”.
Nói về nguyên nhân của sự cố trên, ông Nguyễn Văn Thu tỏ ra dè dặt: “Những khu vực khai thác dầu hiện nay nằm cách bờ biển của Phan Thiết độ 60km. Tuy nhiên, theo tôi biết, các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn về mặt môi trường trong quá trình khai thác dầu là rất nghiêm ngặt”.
Trong khi đó, ông Lưu Minh Hùng, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, lại cho biết: “Chúng tôi đã cùng các ngành chức năng đi khảo sát nhiều khu vực. Kết quả sơ bộ cho thấy dọc theo tuyến du lịch và dân cư ven biển Bình Thuận, từ xã Tiến Thành đến khu vực Hòn Rơm (TP Phan Thiết) có xuất hiệt những vệt dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển.
Cũng qua khảo sát, kết quả đánh giá bước đầu cho thấy những viên dầu có thể là dầu thô. Tỉnh chúng tôi hiện chưa có điều kiện phân tích xác định nguồn gốc dầu nên sở đã đề nghị Tổng công ty Dầu khí VN hỗ trợ khảo sát, xác định nguồn gốc dầu; đề ra các biện pháp phòng, chống và xử lý hiện tượng ô nhiễm do dầu...”.
QUỐC THANH – KHẮC HOÀNG
Theo Tuổi Trẻ Online