Phiên bản thực tế của áo giáp người sắt. (Ảnh: Raytheon Co).
Có tên gọi Exoskeleton (XOS2), bộ giáp robot nhẹ hơn, nhanh hơn và mạnh hơn phiên bản đầu, nhưng lại chỉ sử dụng 50% năng lượng so với XOS1. Thiết kế nâng cao của nó cho phép bộ giáp có sức chịu đựng bền bỉ hơn trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Raytheon đang nghiên cứu một loại giáp robot có khả năng vượt qua những thách thức lớn trong công tác vận chuyển. XOS2 đảm nhận công việc này, giảm bớt tình trạng căng cơ và dùng sức quá nhiều của con người. Nó còn giúp công việc hoàn thành nhanh hơn, vì một người trong bộ giáp robot có thể làm tốt công việc của 2 – 3 binh sĩ. Việc triển khai những thiết bị trợ giúp này cho phép tái điều động nhân lực trong quân đội sang những nhiệm vụ có tính chiến lược hơn.
“XOS1 chỉ thuần túy là khái niệm được chứng thực“, TechNewsDaily dẫn lời Fraser Smith, chịu trách nhiệm về mặt sản xuất của Raytheon. Với XOS2, công ty này nhắm đến sự tiêu thụ năng lượng và làm sao tận dụng được thủy lực một cách hiệu quả. Bộ giáp là sự kết hợp các cấu trúc, cảm biến, thiết bị kích hoạt và kiểm soát, với năng lượng từ thủy lực áp suất cao.
Nó cho phép người mặc dễ dàng nâng một vật nặng 90 kg khoảng vài trăm lần, hoặc đấm liên tục làm lún gỗ khoảng 8 cm. Bên cạnh đó, dù bề ngoài có về cồng kềnh với đủ loại dây nhợ rối rắm, XOS2 vẫn có thể cử động một cách nhẹ nhàng, mềm mại đủ để cho phép người mặc đá được bóng, đấm vào vật di động nhanh hoặc leo cầu thang, đi xuống dốc mà không có trở ngại gì.
Dự kiến bộ giáp robot sẽ chính thức được đưa vào sử dụng trong khoảng 5 năm nữa.
Theo Tiền phong