Tại Nga đang hoàn thành qui trình thử nghiệm bộ áo liền quần mới dành sử dụng nhiều lần trong không gian có tên gọi là “Orlan-ISS”. Đây là bộ giáp trụ đầu tiên trên thế giới có kết cấu hệ thống điều hòa kiểm soát khí hậu. Và nếu đưa những thay đổi nhỏ vào thiết kế thì có thể mặc bộ giáp trụ này khi đi dạo trên Mặt trăng.
>>> Hãng đồ lót tiết lộ về trang phục của phi hành gia
>>> NASA trình làng trang phục du hành vũ trụ mới
Những bộ giáp vũ trụ đầu tiên đã được chế tạo ở Liên Xô hồi những năm 50 của thế kỷ trước. Bộ “áo liền quần” này ban đầu được thiết kế dành cho những con chó đầu tiên bay vào không gian. Rồi đến năm 1960, các nhà thiết kế xô-viết đã “may” bộ đồ phù hợp dành cho Yuri Gagarin. Bộ trang phục đặc biệt này có tên gọi là SK-1. Về thực chất, đó là bộ đồ bảo hộ, trang bị hệ thống tự động hỗ trợ cuộc sống trong trường hợp có tình huống bất thường khẩn cấp.
Năm 1964, ban lãnh đạo Liên Xô thông qua quyết định về cuộc thử nghiệm mới khá giật gân – tổ chức cho con người bước ra ngoài khoảng không vũ trụ. Để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi có trang phục khác về nguyên tắc. Bộ giáp dành cho những cuộc “dạo chơi” ngoài không gian mở cần đảm bảo thực hiện nhiều nhiệm vụ – bảo vệ người mặc khỏi tình trạng quá nóng và chuyển lạnh đột ngột, tránh chói mắt vì bức xạ mặt trời và các thiên thể. Nhưng điều chính yếu nhất là phi hành gia cần di chuyển tự do và thực hiện được công việc khi mang bộ giáp trụ này.
Như vậy, đã có bộ áo liền quần mới “Berkut”. Tháng Ba năm 1965, phi hành gia Liên Xô Aleksei Leonov đã mặc trang phục này và thực hiện chuyến đi đầu tiên trên thế giới ra bên khoảng không bao la. “Berkut” giống như hình chiếc phích nước khổng lồ, gồm mấy lớp vải nhựa bao phủ bằng nhôm. Ở mặt sau có bố trí hệ thống hỗ trợ cuộc sống là quạt thông gió và hai bình oxy dung tích 2 lít.
Hệ thống đảm bảo sự sống của “Berkut” được tính toán cho 45 phút hiện diện ngoài không gian mở. Nhưng sau chuyến “dạo chơi” thành công của phi hành gia Leonov, nảy sinh câu hỏi về cuộc “đi bộ ngoài vũ trụ” trong khoảng thời gian dài hơn. Đòi hỏi phải có bộ giáp trụ mới, đảm bảo cho 2,5 giờ ở bên ngoài khoang tàu. Chương trình mới này có tên gọi là “Yastreb”. Chính trong trang phục như vậy, vào năm 1969, các phi hành gia xô-viết đã di chuyển từ con tàu vũ trụ này sang tàu khác một cách an toàn.
Loại áo giáp thứ ba được thiết kế nhằm phục vụ mục tiêu cho con người đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng. Bộ áo liền quần phải đảm bảo cho người mặc có thể hiện diện đến 10 tiếng đồng hồ trên Mặt trăng. Tuy nhiên, chương trình chinh phục Mặt trăng của Liên Xô đã bị đóng lại. Có một phát minh là nguyên mẫu giáp trụ không gian trên cơ sở “Orlan”.
Từ năm 1977, “Orlan” là bộ đồ vũ trụ duy nhất mà các phi hành gia Liên Xô và Nga làm việc trên quĩ đạo vẫn sử dụng. Trong thời gian này đã chế tạo mấy biến thể của bộ trang phục chuyên dụng. Bộ áo giáp trụ đời chót là “Orlan-ISS”. Đấy là bộ áo liền quần đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ tự động kiểm soát nhiệt độ. Trang phục có khả năng tự điều chỉnh hạ thấp nhiệt độ bên trong khi tăng cao mức độ carbon dioxide và thân nhiệt của phi hành gia đang làm việc trong không gian bên ngoài tàu. Và khi cần thì nhiệt độ sẽ được nâng lên. Nhờ sử dụng những vật liệu mới, bộ áo giáp vũ trụ có độ bền vận hành tăng hơn gần gấp rưỡi so với các mẫu cũ.
Nếu tháo rời phần quần được thiết kế dành riêng cho môi trường không trọng lượng, và thay vào đó là loại dành riêng cho Mặt trăng thì cùng với đôi bốt đặc biệt có vòng bi xoay dưới đế, ta sẽ có bộ trang phục không gian “Orlan-ISS” để hạ cánh xuống Mặt trăng. Ba bộ đồ vũ trụ mới sẽ được gửi lên Trạm Không gian Quốc tế ISS vào năm tới.
Theo Đài Tiếng Nói Nước Nga