Theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học chính cơ quan tiêu hoá giúp chúng ta cảm nhận được những gì đang xảy ra trong cơ thể, tựa như một bộ não thứ hai.
Cơ quan tiêu hoá giúp chúng ta cảm nhận được những gì đang xảy ra trong cơ thể. (Ảnh: Howstuffworks)
Tất nhiên, cơ quan tiêu hoá không có khả năng tư duy, nhưng ít nhiều lại thực hiện chức năng không kém quan trọng của não là điều hành các hoạt động của hocmon. Chính vì vậy, nó được mệnh danh là “bộ não thứ hai”. “Bộ não thứ hai” ngoài việc “chế biến thực phẩm” nuôi cơ thể còn gánh trọng trách là trung tâm chỉ huy những tình cảm cơ bản của con người như giận dữ, sung sướng, phấn khởi, buồn rầu.
Theo TS Michael Herson, trường Đại học Columbia, thành dạ dày và các bộ phận khác của cơ quan tiêu hoá đều được bao phủ bởi mạng lưới các tế bào thần kinh có số lượng lên tới 100 triệu nơron. “Bộ não trong bụng” tương tác với “bộ não trên đầu”, ở mức độ khá lớn xác định tính tình của chúng ta cũng như có vai trò then chốt trong việc xuất hiện một vài bệnh tật.
Nơron của hệ tiêu hoá chịu trách nhiệm sản xuất ra các chất truyền dẫn thần kinh (neuromediator, là những chất tiếp nhận các xung thần kinh và truyền tới các bộ phận trên toàn cơ thể), đặc trưng cho não. Theo kết luận của các nhà khoa học trong nhóm Herson 95% các chất truyền dẫn này là serotonin, sinh ra trong dạ dày.
Hệ thần kinh cũng sản sinh ra một lượng lớn endorphin – chất protid thường bị gọi sai là “hocmon của niềm hạnh phúc”. Thực ra, nó không phải lầ hocmon, mặc dù cảm giác thoả mãn do chính nó gây ra. Chính vì thế các nhà tâm lý thường khuyên phụ nữ “Cho chồng ăn ngon thì muốn gì cũng được”.
Ngoài ra người ta cũng chứng minh rằng, các hocmon dạ dày như cortison và melatonin cũng quy định tình trạng của giấc ngủ, thao thức hay mộng mị và trung tâm của cảm giác đau đớn nằm ngay ở “bộ não thứ hai”, Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cơ quan như tim chẳng hạn khi “có vấn đề” lại phát tín hiệu thông qua sự đau nhói nơi dạ dày. Thậm chí việc cảm cúm ở những người cao tuổi cũng thường do các vấn đề ở hệ thần kinh và hệ tiêu hoá vì lúc đó những hệ này tiết ra không đủ melatonin.
Song, không chỉ các hocmon xác định nên tình cảm của chúng ta. Trong quá trình thực nghiệm, các nhà khoa học kích thích dạ dày đồng thời chụp cắt lớp liên tục để theo dõi hoạt động của não của những bệnh nhân và bằng cách đó họ theo dõi các bệnh của hệ tiêu hoá. Kết quả chỉ ra là não người phản ứng với những kích thích tại các vùng khác nhau. Người thì tại vùng khoan khoái, người lại ở vùng khó chịu
Các nhà khoa học thấy rằng trong tương lai một số bệnh thuộc hệ tiêu hoá sẽ có thể chữa trị nhằm vào các nơron, thí dụ hội chứng ruột bị kích thích và viêm dạ dày có nguyên nhân từ hệ thần kinh, khi các nơron của “bộ não thứ hai” gây ra do tiết ra quá nhiều serotonin.
Những công bố của nhóm Herson được giáo sư Emaran Meyer trường Đại học California rất hưởng ứng. Ông cho rằng nhiệm vụ của các bác sĩ tâm thần cần thiết phải biết cách điều chỉnh các phản ứng của tế bào sôma, xem xét các hoạt động thần kinh không những tại “bộ não trên đầu” mà cả “bộ não trong bụng” của bệnh nhân nữa.
Herson cũng kết luận rằng các tế bào thần kinh của hệ tiêu hoá hoàn toàn có thể thay thế bộ não trên đầu khi bị trục trặc: “Hệ thần kinh trong hệ tiêu hoá được cấu tạo phức tạp hơn nhiều so với tuỷ sống. Nó truyền các tín hiệu tới bộ não (trên đầu) và gửi trở lại những xung đáp ứng”.
Rõ ràng hệ thần kinh của hệ tiêu hoá chịu trách nhiệm về các trạng thái tinh thần, tình cảm và khi kích thích đúng, nó có thể làm giảm hẳn hội chứng trầm cảm cũng như các yếu tố gây ra bệnh động kinh. Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về hoạt động của “bộ não thứ hai” với mục đích chữa khá nhiều bệnh tật.