Ở trường mầm non
– Mẹ phải đón con sớm nhé!
– Con vào lớp học ngoan rồi chiều về mẹ hứa đón con sớm…
Ở nhà:
– Cháu bà ăn đi rồi tí nữa bà hứa cho cháu đi chơi công viên…
Qua điện thoại;
– Con ở nhà với mẹ ngoan ngoãn, bố hứa khi nào đi công tác về bố sẽ mua cho con nhiều đồ chơi nhé…
* * *
Bạn có thấy các đoạn đối thoại trên nghe quen quen không? Vì đơn giản hàng ngày hàng giờ, và mọi nơi mọi lúc chúng ta đang vội vàng trao cho bọn trẻ những lời hứa như vậy. Những lời hứa tự nhiên bật ra như một thói quen, hay đôi khi chỉ là những lời nói qua quýt để xoa dịu tình hình…
Buổi sáng sấp ngửa đưa con đến trường, đứa con cứ bám chặt lấy gấu váy mẹ không chịu vào lớp. Lúc ấy, chúng ta đành phải “hứa đại”: “Chiều về mẹ sẽ đón con sớm!” – mặc dù biết rằng, đôi khi bạn khó có thể thực hiện lời hứa đó khi còn một “đống” công việc dang dở trên cơ quan, những deadline đỏ chót trên tờ lịch và lời hứa “mẹ đến sớm đón con” bị rơi lại trước cửa lớp, sau bước chân vội vã của bạn.
Có thể con sẽ không nhớ ngay những lời hứa của người lớn. Có thể buổi chiều hôm đó, mẹ đến đón muộn nhưng con cũng không ngóng chờ vì đang mải mê chơi với các bạn. Nhưng nếu “lời hứa đại, hứa suông, hứa chỉ để hứa” đó được sử dụng nhiều lần mà không thực hiện sẽ dần dần làm cho bé không còn coi trọng những lời hứa của người lớn nữa.
Tôi nhớ đã đọc được một câu chuyện rất cảm động về lời hứa. Câu chuyện ấy xảy ra sau một vụ động đất làm một trường học bị sập khiến nhiều đứa trẻ đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Trong cảnh hỗn độn ấy, một ông bố đã hoảng loạn xông vào đống đổ nát mặc cho đoàn cứu hộ hết sức can ngăn: “Để việc đó cho họ, ông cứ về nhà chờ kết quả”. Người cha vẫn bỏ ngoài tai tất cả, ông vừa làm rất khẩn trương vừa gọi to tên con. Cuối cùng, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông bố đã nghe tiếng con trả lời: “Bố ơi, con đang ở đây! Con bảo với các bạn là bố sẽ đến cứu con vì bố hứa sẽ luôn bảo vệ con mà”. Lời hứa của bố đã tạo một niềm tin vững chắc cho cậu bé, giúp các cậu bé bớt hoảng loạn và bình tĩnh chờ đợi bởi vì “bố tớ sẽ đến cứu”.
Đôi khi người lớn chúng ta thường dạy con trẻ bằng những lý thuyết suông mà quên rằng trải nghiệm thực tế mới là những bài học đắt giá nhất. Đôi khi chúng ta quên trân trọng những điều nhỏ nhặt, không để tâm vào những điều đã hứa, những lời hứa thốt ra cũng vội vàng và mất hút giữa cuộc sống xô bồ.
Nhưng, một lời hứa không được thực hiện, chúng ta đã đánh mất cơ hội tạo niềm tin của con, giống như niềm tin của cậu bé đối với lời hứa luôn bảo vệ con của bố trong câu chuyện kia, và cũng mất cơ hội rèn dũa con thành người sống có trách nhiệm, đáng tin cậy.
Và quan trọng hơn là khi chúng ta không chân thành giữ những lời hứa trong tim, thì con cái chúng ta cũng sẽ dễ dàng đánh rơi những lời hứa ngay khi được thốt ra.
Hãy cứ hứa đi vì dù thế nào những lời hứa luôn có những giá trị đặc biệt. Nhưng đừng trao những lời hứa vội vàng, hãy để cho cuộc sống có những giây phút ngọt ngào khi những lời hứa được thực hiện. Chẳng hạnh phúc nào hơn khi con chúng ta tự hào: “Bạn tin đi, bố mẹ tớ đã hứa rồi!”.
Thu Huyền
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.