Ống kim loại lớn, được cho là bộ phận của một tên lửa đạn đạo, trôi dạt vào một ngôi làng ở vùng Siberia, Nga, sau khi trận lũ lớn quét qua khu vực này.
Theo RT, ống kim loại lớn được phát hiện ở làng Altay thuộc vùng Altai, phía nam vùng Tây Siberia, khu vực đang chịu ảnh hưởng từ một trận lụt nghiêm trọng. Nước lũ đẩy ống kim loại về phía nhà của một cảnh sát giao thông địa phương.
Theo một số giả thiết, tên lửa thường được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikanur ở Kazakhstan và bay qua khu vực này của Nga. Do đó, đây có thể là một phần của tên lửa gặp sự cố như Proton-M (được phóng đi hồi tháng 5).
Ống kim loại, được cho là bộ phận của tên lửa đạn đạo liên lục địa, trôi nổi trên mặt nước sau trận lụt lớn ở Siberia, Nga. (Ảnh: Twitter)
Tuy nhiên, sự xuất hiện của ống kim loại mà không có dấu vết cháy hay một động cơ tên lửa khiến nhiều người tin rằng nó là bộ phận của một tên lửa đạn đạo liên lục địa đã ngưng hoạt động và được chôn ở một nơi gần đó. Nước lũ làm xói mòn đất và đẩy bộ phận này về phía làng Altay.
Các chuyên gia không gian xác định đây là thùng chứa nhiên liệu của một tên lửa đạn đạo liên lục địa. Vào đầu những năm 1990, sau khi Bộ Quốc phòng quyết định cắt giảm nhu cầu sử dụng, nhiều thùng chứa tương tự vẫn được cất giữ.
Sau khi các hình ảnh được lan truyền trên Internet, nhiều người lo ngại rằng bộ phận của một tên lửa đạn đạo có thể gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, theo giáo sư nghiên cứu tên lửa Aleksey Yaskin, ống kim loại này chỉ là một vật rỗng không có nhiên liệu bên trong, nên sẽ không hay nguy hiểm cho cộng đồng hay các mối lo ngại về kỹ thuật khác.
Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, ông cho biết đây chỉ là bộ phận rỗng của một động cơ tên lửa, có thể còn sót lại từ thời kỳ Liên Xô, tại khu vực nhà máy hóa chất Biysk. “Những bộ phận như thế này có thể được sử dụng trong hộ gia đình để chứa nước, hoặc chôn xuống đất để chứa nước thải”, OTN dẫn lời giáo sư nhận định.
Mưa lớn gây ngập lụt ở Siberia từ đầu tháng này, khiến nhiều khu vực rơi vào tình trạng khẩn cấp, gần 12.000 người đã được sơ tán đến nơi khác. Trong đó, vùng Altai là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Vnexpress