Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (Wildlfife At Risk – WAR) vừa cho ra mắt một bộ bưu ảnh mới gồm 20 tấm về một số loài bướm Phú Quốc. Mục đích khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái ở đây.
Những bưu ảnh này được gửi đến Vườn Quốc gia Phú Quốc nhằm mục đích khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái tại đây. Với bộ sưu tập ảnh bướm này, WAR muốn tập trung vào đối tượng trẻ em nhằm nâng cao ý thức quan tâm về động vật hoang dã Việt Nam.
Theo website của UBND Tỉnh Kiên Giang, huyện đảo Phú Quốc có diện tích tự nhiên 593,05 km2. Tiềm năng về du lịch, thương mại của Phú Quốc rất lớn. Sản xuất chủ yếu ở đây là thủy sản và công nghiệp chế biến, có hồ tiêu, nước mắm nổi tiếng. Phú Quốc có nhiều rừng nguyên sinh phong phú với nhiều chủng loại cây và 140 loài động vật.
Địa hình thiên nhiên Phú Quốc thoai thoải chạy từ nam đến bắc với 99 ngọn núi đồi. Phần lớn các vùng biển quanh đảo nông, có độ sâu chưa đến 10m. Riêng cụm đảo nhỏ của cảng An Thới bị ngăn cách hẳn với phần mũi phía nam của đảo Phú Quốc bởi một eo biển có độ sâu tới hơn 60m.
Vườn quốc gia Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 8/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc đảo Phú Quốc thành Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Mùa yêu thương của loài bướm trên đảo Phú Quốc |
WAR đang thực hiện dự án bảo tồn tại Phú Quốc với đối tác chính là Vườn Quốc gia Phú Quốc, đồng thời tiến hành các hoạt động ghi nhận loài mới cho Phú Quốc và Việt Nam. Bên cạnh một số mô hình nghiên cứu thử nghiệm nuôi cua, ghẹ và bướm, các khảo sát về bướm, chuồn chuồn và thực vật đã được thực hiện. Kết quả khảo sát đã ghi nhận một số thông tin thú vị cho khu hệ động, thực vật của Việt Nam và từ đó hỗ trợ cho công tác bảo tồn.
Các khảo sát về động vật hoang dã, tập trung vào loài bướm và chuồn chuồn đã ghi nhận 04 loài chuồn chuồn mới cho Phú Quốc và Việt Nam. Các loài này là Rhyothemis obsolescens, Lyriothemis mortoni, Pseudagrion williamsonii, và Prodasineura auricolor.
Ngoài ra, một số loài bướm và chuồn chuồn cũng đã được ghi nhận trong những ngày khảo sát cuối năm 2007. Các loài này hiện đang được kiểm tra bởi các chuyên gia để xác nhận chúng có phải là loài mới cho Việt Nam hay không.
Đây là một trong số hiếm hoi những bộ sưu tập trình bày những hình ảnh sống động của các loài bướm trên đảo Phú Quốc.
Bướm Xanh Phấn Đốm Gốc (tên khoa học: Acytolepis puspa)
Bướm Hoa Xám Trắng (tên khoa học: Junonia alites)
Loài bướm Hoa Đuôi Công (tên khoa học: Junonia almana)
Bướm Phượng Chanh (tên khoa học: Papillio polites)
Loài bướm Giáp Cam Lớn Ba Đốm Mắt (tên khoa học: Vindula dejona)
Bướm Hoa Nâu (tên khoa học: Junonia lemonias)
Loài bướm Giáp Đen Thường Bốn Đốm (tên khoa học: Hypolimnas bolina)
Loài bướm Phượng Đốm Vàng Chanh (tên khoa học: Papillio demoleus)
Loài bướm Trắng Lớn Đuôi Dài (tên khoa học: Neomyrina nivea)
Bướm Hổ Vằn (tên khoa học: Danaus genutia)
Tin: H.Cát – Ảnh: Vũ Khôi
Theo Vietnamnet