Ở một nơi bị vây hãm trong suốt nhiều năm khói lửa chiến tranh và người dân đói ăn lang thang khắp đường phố, bạn có thể nghĩ rằng người ta không còn hơi sức đâu quan tâm đến sách vở. Nhưng thực tế khác hẳn.
Trên đất nước Syria bị cuộc nội chiến xé nát, vẫn tồn tại ở đâu đó một thư viện đúng nghĩa nằm dưới lòng đất với những cuốn sách được giải cứu từ những tòa nhà đổ nát do bị trúng bom, chỉ những con người can đảm mạo hiểm lách mình qua những làn đạn bay vèo vèo trên đầu mới có thể đến được “thư viện ngầm bí mật” này.
Bước xuống những bậc thang dốc đứng, bạn sẽ bắt gặp căn phòng rộng rãi trong thứ ánh sáng lờ mờ. Nằm sâu bên dưới một tòa nhà đổ nát ở vùng ven Darayya của thành phố Damascus là kho tri thức thu nhỏ của loài người.
Bên trong Darayya đổ nát vẫn tồn tại một thư viện bí mật ngầm bên dưới một tòa nhà đổ nát vì bom đạn.
Anas Ahmad, cựu sinh viên khoa Công chính và cũng là một trong những thành viên thành lập thư viện bí mật, cho biết: “Chúng tôi nhận thức được sự cần thiết phải tạo lập một thư viện để chúng tôi có thể tiếp tục việc học dở dang của mình. Chúng tôi xây dựng thư viện ở tầng hầm để tránh cho nó không bị bom đạn phá hủy giống như nhiều tòa nhà nơi đây”.
Cách đây gần 4 năm, vùng ngoại ô nằm trong vùng kiểm soát của quân đội trung thành với chính quyền cũng như các tay súng ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad. Kể từ đó, Anas Ahmad và một số người tình nguyện khác, trong số đó có nhiều sinh viên phải bỏ học giữa chừng vì nội chiến bùng nổ – nỗ lực tập hợp được hơn 14.000 cuốn sách đủ mọi lĩnh vực. Cũng trong thời gian xây dựng thư viện ngầm, hơn 2.000 người bị giết chết.
Nhưng sự khủng khiếp của chiến tranh vẫn không làm nhụt chí của Anas cùng với nhóm bạn của anh, họ không ngừng lang thang trên mọi đường phố, gom góp những cuốn sách quý giá để lấp đầy những giá sách trong thư viện bí mật.
Anas Ahmad nói tiếp: “Rất nhiều lần chúng tôi tìm được sách từ bên trong những căn nhà bị bom đạn đánh sập. Đa số những căn nhà này nằm gần nơi đang giao tranh ác liệt cho nên công việc của chúng tôi vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi phải cố gắng len lỏi giữa những tòa nhà đổ nát để tránh những tay súng bắn tỉa nấp ở đâu đó như bóng ma. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận bởi vì những tay súng bắn tỉa có thể đang theo dõi và dự đoán sự xuất hiện tiếp theo của chúng tôi để nhả đạn”.
Một cô gái đọc cuốn sách mượn từ thư viện bí mật cho mẹ nghe.
Những người dám mạo hiểm mạng sống của mình như Anas Ahmad thu gom sách vở cho một thư viện ngầm nghĩ rằng, thư viện sẽ giúp ích cho cộng đồng trên phương diện nào đó.
Những người tình nguyện làm việc tại bệnh viện sử dụng sách trong thư viện của Anas Ahmad để tìm kiếm cách chữa trị cho bệnh nhân; hay những người thầy chưa qua trường lớp đọc sách để mở lớp học từ thiện; những nha sĩ tìm sách để nâng cao kiến thức chuyên môn. Khoảng 8.000 người trong 80.000 người dân của thị trấn Darayya đã chạy trốn chiến tranh.
Nhưng hiện thời không ai có cơ hội để rời khỏi Darayya vì kể từ khi lệnh ngừng bắn tạm thời bị vi phạm hồi tháng 5/2016 thì bom đạn liên tục trút xuống như mưa mỗi ngày. Kể cả các nhà báo cũng không làm sao bước vào Darayya được cho nên họ chỉ còn cách phỏng vấn Anas Ahmad và bạn bè của anh qua ứng dụng di động Skype.
Vị trí thư viện bí mật không được tiết lộ do Anas và những thành viên khác sợ nó trở thành mục tiêu tấn công của phiến quân ở Darayya nếu chúng phát hiện. Những người muốn tìm hiểu chỉ biết rằng, thư viện ấy nằm trong một khu vực cực kỳ nguy hiểm.
Một cô gái nhỏ tên là Islam cho biết cô chỉ dám quanh quẩn trong nhà suốt ngày chơi game để quên đi cái đói đang hành hạ dạ dày và đọc những cuốn sách từ thư viện bí mật được bạn bè gửi đến. Islam không hề biết nguyên cớ gì đã dẫn đến cuộc chiến tranh đẫm máu đang diễn ra quanh cô: “Tất cả những gì tôi biết đó là súng đang nổ. Tôi suy nghĩ tại sao bọn họ lại đánh bom nơi này. Đôi khi tôi nghe nói có người chết và tôi tự hỏi tại sao người đó lại chết và người đó đã làm gì sai. Thật tôi không biết gì hết”.
Có một đứa trẻ 14 tuổi tên là Amjad đến thư viện mỗi ngày vì có nhà gần đó. Amjad cảm thấy thư viện an toàn hơn mặt đất bên trên nên suốt ngày cứ quanh quẩn nơi đây và nghiễm nhiên trở thành “trợ lý quản thủ thư viện”.
Trong một cuộc chuyện trò với phóng viên qua ứng dụng Skype, Anas Ahmad cho biết tuyệt đại đa số những cuốn sách phổ thông nhất của nhóm là tác phẩm của các tác giả Arập nổi tiếng – như nhà thơ và nhà soạn kịch Ahmed Shawqi (nổi tiếng là Ông hoàng Thơ ca) hay al-Tanawi, tác giả người Syria ghi chép những cuộc nổi dậy trong thế giới Arập. Ngoài ra, cũng có sách của các tác giả Arập được người phương Tây biết đến nhiều.
Abdulbaset Alahmar, cựu sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, phát biểu: “Thư viện giúp cho tìm lại được cuộc sống. Sách cũng như cơ thể cần thực phẩm. Linh hồn cần sách. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn Pháp song tôi thích nhất Hamlet. Văn phong của Shakespeare rất đẹp. Văn hào mô tả những chi tiết một cách sống động đến mức tôi có cảm tưởng như mình đang ngồi trong rạp chiếu phim xem bộ phim diễn ra ngay trước mắt. Nhưng trong một vùng ngoại ô bị vây hãm trong suốt gần 4 năm mà chỉ tiếp nhận được 2 chuyến xe chở hàng viện trợ thì làm sao nhóm thành lập thư viện bí mật không dành thời gian để tìm kiếm thực phẩm mà còn lo nghĩ đến những cuốn sách?”.
Anas Ahmad.
Alahmar trả lời thẳng thắn: “Tôi tin bộ não cũng giống như hệ cơ bắp. Đọc cũng làm cho bộ não mạnh hơn lên. Bộ não được khai sáng cũng nuôi sống tâm hồn tôi. Thư viện giúp cho tôi có cơ hội gặp được những người khác chín chắn hơn tôi. Chúng tôi có thể cùng nhau bàn luận về mọi vấn đề và từ đó học hỏi được nhiều thứ. Tôi có thể nói, cũng giống như cơ thể cần thực phẩm, tâm hồn cần những cuốn sách”.
Không ai có thể ngờ rằng, những chiến binh của Quân đội Giải phóng Syria (FSA) nhận trách nhiệm bảo vệ Darayya lại chính là những độc giả thường xuyên của thư viện bí mật. Omar Abu Anas, cựu sinh viên nay là chiến binh bảo vệ Darayya, nói: “Sự thực là, thư viện chiếm một vị trí đặc biệt trong con tim của tất cả chúng tôi. Mỗi khi nghe thấy tiếng pháo nã gần thư viện là chúng tôi cầu nguyện cho nó. Những cuốn sách giúp chúng tôi chiến đấu”.
Mỗi lần ra mặt trận, Omar đều mang theo bên mình vài cuốn sách. Ở mặt trận, Omar đều một tay cầm sách và tay kia cầm súng. Omar kể: “Ngay giữa mặt trận, tôi có trong tay thứ có thể gọi là thư viện thu nhỏ. Tôi ngồi đọc sách suốt 6 đến 7 giờ giữa mặt trận”.
Nhiều đồng đội của Omar cũng có “thư viện thu nhỏ” giống như anh. Omar tiết lộ, tại mỗi điểm phòng thủ cách nhau chừng 50 mét đều có một bộ sách mượn từ thư viện của nhóm Anas Ahmad. “Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, tôi mò mẫm đến một điểm phòng thủ khác để đổi cuốn khác đọc tiếp”.