Đăng ký bằng sáng chế là một điều tốt, thế nhưng nhiều công ty đã lợi dụng sơ hở của cơ quan cấp bằng để xin đăng ký nhiều loại bằng ngớ ngẩn, nội dung khó hiểu nhằm “ăn vạ” bất cứ công ty nào có chút liên quan.
Electronic Frontier Foundation (EFF) là cơ quan chuyên trách về việc xem xét và loại bỏ các ý tưởng để đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, cũng từ đây phát sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười và EFF thậm chí có hẳn Giải thưởng cho sáng chế ngu ngốc để “tôn vinh” những ý tưởng thừa thãi và nửa mùa. Dưới đây là danh sách đề cử 4 sáng chế ngớ ngẩn của năm 2015 được bình chọn bởi EFF:
White Knuckle: Cập nhật thêm “cỏ xanh” để trò chơi điện tử sinh động hơn
Sáng chế White Knuckle cập nhật thêm hình ảnh cỏ xanh trong các trò chơi điện tử.
Một trong những ý tưởng thừa thãi nhất đã từng được đăng ký bằng sáng chế với EFF là “Phương pháp và hệ thống nâng cao tính hiện thực cho trò chơi điện tử“, được đặt tên là White Knuckle. Chủ sở hữu của bằng sáng chế này đã từng đâm đơn kiện Electronic Arts vì cho rằng hãng đã vi phạm sáng chế của mình vào tháng Giêng đầu năm.
Quay trở lại với “phát minh” White Knuckle, chính EFF cũng khẳng định rằng ý tưởng này là hoàn toàn vô lý bởi thực chất nó chỉ là xâu chuỗi của một loạt các khái niệm thông thường về máy tính, trò chơi video và cập nhật phần mềm từ một máy chủ. Tuy nhiên, vì không vi phạm bất cứ quy định nào nên một cách nghiễm nhiên, “tác giả” vẫn được nhận bằng sáng chế cho ý tưởng “nửa mùa”.
Nhiều trò chơi video, đặc biệt là các game thể thao thường lấy bối cảnh là những sự kiện thực tế nên việc cập nhật cho trò chơi là cần thiết để phản ánh sự kiện chân thực hơn. Bản chất của “phát minh” White Knuckle cũng dựa trên nguyên tắc như vậy: Các phần mềm trò chơi cần được tự động cập nhật thường xuyên. Thậm chí, White Knuckle còn đưa ra những ví dụ minh họa như cần bổ sung thêm cỏ trên sân vận động trong trò chơi để làm căn cứ xác định tính hợp pháp của bằng sáng chế. EFF so sánh phát minh này ngớ ngẩn như việc cố gắng vạch ra những điểm khác nhau giữa phát minh một chiếc ô tô được lái ở San Franciso so với một chiếc ô tô được lái ở Los Angeles.
NoelPoint Tracking: Đưa ra những cụm từ vô nghĩa để định nghĩa các chức năng định vị GPS
NovelPoint Tracking phát minh chức năng định vị GPS.
Công nghệ định vị GPS ra đời từ thập niên 70 nhưng nó chỉ thực sự được thương mại hóa và sử dụng trên diện rộng trong những năm 1990. Đây là kết quả của vô số sáng chế liên quan tới công nghệ GPS, và một trong số đó là ý tưởng về “Phương pháp và thiết bị tự động xác định vị trí xe, thông báo va chạm và giọng thoại tổng hợp“. Điều đáng bàn là “phát minh” này không đưa ra được điều gì mới mẻ cho công nghệ GPS ngoại trừ việc liệt kê vô số các khái niệm lan man và đưa ra những tổ hợp từ khó hiểu cho người đọc như: Location Comparator (Bộ so sánh địa điểm) hay Indicator Module (Bộ chỉ báo mô-đun).
Chính nhờ “lợi thế” về tính khó hiểu mà chủ nhân của “sáng chế” NovelPoint Tracking đã kiện được hơn 90 công ty với cáo buộc vi phạm bản quyền, mặc dù chính người bị kiện cũng không thể hiểu được rằng bằng sáng chế mà NovelPoint lấy được nói về cái gì. Mới đây nhất, thương hiệu đồ ăn nhanh Subway cũng bị kiện ra tòa vì sử dụng công nghệ NovelPoint trong ứng dụng di động khi chưa được sự đồng ý của tác giả.
Eclipse IP: Việc cập nhật thông tin đặt hàng cũng được ghi nhận là “phát minh” và có bằng sáng chế
Để minh họa cho sự ngớ ngẩn của ý tưởng này, EFF đã đưa ra một ví dụ: “Giả như bạn là nhân viên giao hàng và đang trên đường giao một thùng bia cho khách hàng. Tuy nhiên, trước khi kịp gõ cửa nhà khách thì ông chủ lại nhắn tin cho bạn và thông báo rằng khách hàng muốn 2 thùng bia (chứ không phải 1 như ban đầu). Vậy là khả năng cao là bạn phải thay đổi lịch trình hoặc bằng cách nào đó kiếm thêm 1 thùng bia khác để giao cho khách. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giao bia, bạn lại tiếp tục với các đơn hàng khác“. Trong trường hợp này, mặt tốt là bạn được đánh giá là nhân viên giao hàng tận tâm nhưng mặt trái là bạn có thể bị kiện vì đã vi phạm bản quyền của sáng chế Eclipse IP, một trong những ý tưởng ngớ ngẩn nhất từng được cấp bằng. Mặc dù chính EFF đã cấp bằng sáng chế cho Eclipse vào tháng 4/2015 nhưng cơ quan này cũng đánh giá ý tưởng về việc thay đổi số lượng thông tin đặt hàng trên hệ thống là hết sức thừa thãi và ngớ ngẩn.
Microsoft với bằng sáng chế thanh trượt trên màn hình
Sáng chế thanh trượt trên màn hình của Microsoft.
Giải thưởng sáng chế ngớ ngẩn nhất của tháng 12/2015 được trao cho Microsoft khi hãng này kiện Corel về vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có vi phạm đăng ký sáng chế về thiết kế từ năm 2006 cho một thanh trượt với mã số đăng ký D 554,140 S.
Sáng chế về thiết kế mà theo mô tả chi tiết của Microsoft trong khiếu nại của họ là “một phần trên màn hình giao diện người sử dụng” và cho rằng hãng mới là “chủ sở hữu” đích thực. Điều khôi hài là Microsoft cho rằng thiết kế thanh trượt trên màn hình máy tính là bản quyền riêng của hãng. Chưa rõ số tiền mà Microsoft được bồi thường nếu thắng kiện là bao nhiêu nhưng theo luật hiện hành của Mỹ (Federal Circuit law) thì toàn toàn bộ lợi nhuận của sản phẩm này sẽ thuộc về Microsoft nếu hãng Corel bị cho là vi phạm sở hữu trí tuệ trong sáng chế về thiết kế.
Khác với các bằng sáng chế cho các phát minh và tiện ích, bằng sáng chế cho thiết kế là một khái niệm hoàn toàn mới, bởi về cơ bản thiết kế không có chức năng mà chỉ dùng để trang trí cho sản phẩm, bài viết hoặc đồ vật. Chính vì sự mơ hồ này mà rất khó để phân định bản quyền thực sự, và “kịch bản” vụ Microsoft kiện Corel cũng tương tự như vụ tranh chấp dai dẳng giữa Apple và Samsung.
Vụ tranh chấp nổi tiếng giữa Apple và Samsung cũng xuất phát từ vi phạm sáng chế một phần của sản phẩm, cụ thể là thiết kế một số chi tiết nhưng bên thua sẽ bị yêu cầu trả lại tất cả lợi nhuận từ sản phẩm. Hiện tại Samsung đã yêu cầu tòa án tối cao xem xét lại vụ án. Trong đơn khiếu nại của mình, Samsung đã chỉ ra những điều vô lý của quy định trong luật. Chẳng hạn, Samsung giải thích rằng theo luật liên bang thì toàn bộ lợi nhuận của một chiếc ô tô, thậm chí là một chiếc xe như chiếc xe tải như trong bộ phim “18 bánh xe công lý” sẽ được trả lại cho ai sở hữu sáng chế của chiếc khay đựng tách cà phê trên xe. Hơn nữa, điều này sẽ cho phép nhiều sản phẩm có các chi tiết trang trí có thể liên quan đến nhiều sáng chế về thiết kế có thể gặp hàng loạt phán quyết của tòa án cho tất cả lợi nhuận thu được. Thực tế thì vấn đề này cũng chính là “mối quan ngại” của EFF khi phải “cầm trịch” để quyết định cấp bằng sáng chế. Và cho tới nay, cơ quan này vẫn phải “chống chế” bằng cách cử riêng nhân viên ngồi xét duyệt và loại bỏ các ý tưởng ngớ ngẩn.