Một trái bóng đặc biệt có khả năng phát điện trong khi đá có thể là một giải pháp cho tình trạng thiếu điện tại các quốc gia đang phát triển.
>>>Video: Bóng đá kiêm máy phát điện
Một nhóm sinh viên Đại học Harvard (Mỹ) đã phát triển một trái bóng đá đặc biệt, được đặt tên là Soccket, có khả năng tạo ra điện trong khi chơi bóng. Lượng điện trái bóng tạo ra sau khi được đá trong 30 phút có thể đủ để thắp sáng một bóng đèn trong 3 giờ liên tục. Hiện tại, loại bóng này đang được thử nghiệm tại Nam Phi.
“Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng này khi đi thực tế tại các quốc gia đang phát triển. Trẻ em tại các nước này không có nhiều thời gian vui chơi, do còn phải lao động kiếm sống hàng ngày”, Jessica Matthews, người đứng đầu nhóm sinh viên, cho biết trên Daily Mail.
Trái bóng Soccket có khả năng chống thấm nước và không cần bơm hơi. Bên trong trái bóng là một hệ thống phát điện theo công nghệ cuộn cảm, bao gồm một cuộn dây kim loại và các thanh nam châm từ trường chuyển động khi trái bóng được đá để tạo ra điện. Dòng điện tạo ra được lưu trong bộ tích điện của bóng.
Nhóm sinh viên cho biết, vật liệu làm bóng Soccket rất phổ biến tại các nước đang phát triển và có chi phí tương đương với một quả bóng chất lượng trung bình hiện nay. Vì thế, ý tưởng này có thể là một giải pháp cho tình trạng thiếu điện sinh hoạt tại các quốc gia đang phát triển – với khoảng 1/5 dân số không được sử dụng điện.
Ý tưởng của nhóm sinh viên được cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đánh giá rất cao, ông nói: “Đây là một giải pháp điện không dây có thể giúp chúng ta sử dụng điện để nâng cao chất lượng cuộc sống, năng suất lao động và học tập”.
Theo VNE, Daily Mail