Các nhà bác học Anh cho rằng, những thiết bị thông minh cực nhỏ, được phát tán theo gió, có thể giúp ích trong việc nghiên cứu những hành tinh khác.
Để có thể di chuyển được trong khí quyển của sao Hoả, thiết bị này cần có kích thước nhỏ như những hạt cát. Một con chíp vi tính vi mô, được bao bọc bằng lớp vỏ plastic, lớp vỏ này có thể thay đổi hình dạng của mình trong khi cung cấp xung điện, và bằng cách đó nó chuyển động được ở hướng mà nhà nghiên cứu đã xác định.
Tại hội nghị của Hiệp hội các nhà thiên văn học quốc gia, các chuyên viên ĐH Tổng hợp Glazgo ở Scotland đã giới thiệu với các đồng nghiệp những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ John Berker, giáo sư Trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử nano ở Glazgo nói rằng, nhờ sự trợ giúp của các mạng không dây, trong trường hợp cần thiết có thể sẽ tạo được các “đám bụi” từ những thiết bị vi mô có đường kính 1 mm như vậy.
(Ảnh: BBC) |
Ý tưởng này không mới, nhưng giáo sư Berker và các đồng nghiệp đã bắt tay thực hiện với tất cả sự nghiêm túc và dự định sẽ xác định cách thực hiện nó. Ông khẳng định rằng, các con chíp kích thước phù hợp với thiết bị này hiện nay đang tồn tại.
Có thể sắp xếp “bụi” điện tử ở phần mũi của các bóng thám không vũ trụ và thả vào khí quyển của các hành tinh khác, ở đó chúng sẽ được gió mang đi… Nếu làm “nhăn” lớp vỏ bọc polyme của thiết bị này nhờ điện tích xác định được, thì hạt bụi sẽ được nâng lên cao, còn nếu làm phẳng vỏ bọc thì nó sẽ hạ xuống thấp. Các mạng không dây sẽ cho phép dồn những thiết bị vi mô thành “đám” và tiến sĩ Berker cùng các đồng nghiệp đã thành lập được mô hình toán học của quá trình này.
“Chúng tôi tin tưởng vào việc phần lớn các hạt bụi chỉ có thể “trò chuyện” được với những láng giềng lân cận, nhưng khi chúng rất nhiều, chúng có thể “giao tiếp” ở những khoảng cách xa hơn. Trong quá trình mô hình hoá, chúng tôi đã đạt được việc liên kết 50 thiết bị thành một đám và đã có thể làm được điều đó, cho dù gió rất mạnh”.
Khả năng di chuyển thành từng đám cho phép các con chíp trao đổi các số liệu với nhau và gửi tín hiệu “tập thể” về con tàu.
Các nhà bác học đã “phô diễn” khả năng của “bụi thông minh”, trong đó có xếp đặt các bộ cảm biến, các nguồn năng lượng, các thiết bị liên lạc số và các mắt mạng. Nhưng, nếu sử dụng chúng để nghiên cứu các hành tinh khác, thì chúng sẽ cần đến những bộ cảm biến, mà hiện nay các bộ cảm biến hoá học còn quá lớn để có thể sắp xếp vào “hạt cát” điện tử bay này.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong 10 năm tới sẽ xuất hiện những bộ cảm biến có kích thước cực nhỏ. Trong những môi trường khác có thể sử dụng các thiết bị vi mô để thu thập thông tin trên chiến trường, hoặc cài đặt chúng vào xi măng để quan sát “sức khoẻ” của các cây cầu, các toà nhà và những công trình khác từ bên trong.
Ý tưởng sử dụng “bụi thông minh” để nghiên cứu vũ trụ đã nhiều lần được các nhà bác học và các nhà văn viễn tưởng miêu tả. Tác phẩm nổi tiếng nhất là tiểu thuyết “Vô địch” của Stanixlav Lem, trong đó kể về hành tinh mà cư dân của nó là những robot cực tiểu, có khả năng liên kết thành bầy đàn và tước mất bộ nhớ của con người và các máy vi tính.
Đoàn Phương
Theo Vzgliad, VTC News