Bùn độc tràn tới sông dài thứ hai của châu Âu

Ngày 7/10, chất thải bôxit tràn ra từ bể chứa khổng lồ tại Hungary đã tới sông Danube, đe dọa hệ sinh thái của dòng sông này.

>>>Vỡ hồ chứa chất thải, Hungary ban bố tình trạng khẩn cấp


Người dân và nhân viên chính phủ dọn dẹp trong làng Kolontar ở phía tây Hungary sau khi bùn đỏ từ bể chứa chất thải bôxit tràn qua làng. (Ảnh: AFP)

Bể chứa chất thải bôxít khổng lồ của một nhà máy sản xuất nhôm tại thị trấn Ajka ở miền tây Hungary đột nhiên vỡ khiến hàng triệu lít chất thải tràn xuống 7 làng ở vị trí thấp hơn. Chất thải lan ra một khu vực có diện tích 40 km2 khiến 4 người chết, 123 người bị thương và 3 người mất tích. Đây là thảm họa hóa chất nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary.

AFP cho biết, bùn độc tràn tới sông Raab và Danube tại thành phố Gyor vào khoảng 13h30 theo giờ Hà Nội. Một quan chức quản lý nước của Hungary thông báo mức độ ô nhiễm của nước sông Danube đã vượt mức thông thường.

Kết quả phân tích nhiều mẫu nước ở đoạn hợp lưu của sông Raab và sông Danube cho thấy nồng độ kiềm trong nước tăng thêm 8,96 tới 9,07%”, vị quan chức giấu tên nói.

Nồng độ kiềm là một trong những tiêu chí được dùng đánh giá mức độ ô nhiễm của nước. Chất lượng nước được coi là bình thường nếu nồng độ kiềm bằng hoặc dưới 8%.

Ông Gbor Figeczky, quyền giám đốc điều hành của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Hungary, cảnh báo rằng sau khi tràn xuống sông Danube, chất thải bôxít có thể gây nên tác hại có quy mô quốc tế.

Một số loài động vật và thực vật chết ngay lập tức, một số loài khác sẽ bị nhiễm độc trong thời gian dài do bùn độc tích tụ trong cơ thể chúng”, ông nói.

WWF hôm qua cũng tuyên bố bùn độc tại Hungary sẽ để lại tác động lâu dài trong đất, nước, hệ động vật và hệ thực vật.

Bôxit là một loại quặng nhôm trầm tích có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Chất thải từ bôxit chứa nhiều kim loại nặng cực độc.

 

Theo Vnexpress