Bụng bầu to không có nghĩa là con sẽ… mập!

0
102
Bụng bầu to không có nghĩa là con sẽ... mập!
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng bụng bầu lớn thì em bé sẽ to, nhưng thực tế lại không phải vậy. Có những mẹ bụng to nhưng con sinh ra lại nhỏ và ngược lại. Vì sao thế nhỉ?
1. Chiều cao của mẹ
Nếu bạn cao và có bụng dài, em bé sẽ có rất nhiều không gian để lớn. Tử cung của bạn sẽ có xu hướng dài thêm chứ không phải nhô ra phía ngoài nhiều. Kết quả là bụng bầu của bạn sẽ không bị to ra quá mức. Ngược lại, nếu bạn thấp, khoảng cách hông và xương sườn ngắn, tử cung của bạn sẽ đẩy ra phía ngoài để lấy không gian cho bào thai phát triển.
2. Nếu bạn sinh con lần đầu
Phụ nữ sinh con đầu lòng thường có bụng thon gọn hơn những người đã từng mang thai vì các cơ bụng của mẹ săn chắc và có khả năng đàn hồi cao để giữ bào thai ở phía bụng trên. Điều này có thể khiến họ có bụng bầu nhỏ hơn so với mong đợi của bạn trong một giai đoạn nhất định của thai kỳ.
3. Vị trí em bé
Một em bé phát triển khỏe mạnh trong bào thai thường luôn vận động và thay đổi vị trí, đặc biệt ở cuối quý thứ 2 của thai kỳ. Trong 3 tháng cuối, em bé thường lộn đầu xuống nhưng cũng có thể ở tư thế khác nhau như quay mặt/quay lưng vào xương sống của mẹ. Bụng của bạn vì thế sẽ thay đổi hình dạng và kích thước phụ thuộc vào từng vị trí cụ thể của em bé ở trong bụng.
Bụng bầu to không có nghĩa là con sẽ... mập!

4. Vị trí ruột của mẹ

Khi mang thai, tử cung của bạn lớn dần lên và chiếm nhiều diện tích của khoang bụng. Ruột khi đó sẽ phải “chia sẻ” diện tích với bào thai. Nếu ruột nằm ở phía sau bào thai, nó sẽ làm cho bụng của bạn trở nên tròn hơn. Nếu ruột của bạn di chuyển sang hai bên của tử cung, bụng của bạn sẽ trở nên to đều hơn.
5. Tác động của những lần mang thai trước
Như đã đề cập ở trên, mỗi lần mẹ mang thai đều làm giãn các cơ bụng và tính đàn hồi của da trở nên kém hơn. Ở những lần mang thai sau, bụng phụ nữ thường có xu hướng to và chảy xệ hơn so với các lần trước. Điều này không có nghĩa là kích cỡ của em bé to hơn mà có thể là do bụng mẹ xồ xề hơn mà thôi.
6. Lượng nước ối
Lượng nước ối xung quanh em bé có thể thay đổi theo từng giai đoạn. Trong 20 tuần đầu tiên, hầu hết nước ối được sản xuất từ dịch cơ thể của mẹ. Ở giai đoạn tiếp theo, em bé sản sinh ra lượng lớn nước ối chủ yếu từ nước tiểu và dịch phổi của chúng. Vì vậy, tùy thuộc vào từng giai đoạn trong thai kỳ, lượng dịch ối do em bé sản sinh ra khiến kích thước bụng bầu thay đổi.
7. Kích cỡ em bé
Cuối cùng, hãy xét đến kích cỡ thật của em bé trong bụng bạn. Di truyền đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành kích cỡ của em bé. Nếu cả bố và mẹ đều cao, em bé trong bụng bạn có thể có những đặc điểm tương đồng ngay từ khi nằm trong bào thai. Tương tự cho các trường hợp khác, nếu bố mẹ có kích thước trung bình hoặc kích thước nhỏ. 
Nguyễn MaiNguồn: BB

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.