Cà chua ghép kháng bệnh

Ngoài việc lo đầu ra, nông dân trồng cà chua vẫn canh cánh nỗi lo khác: bệnh héo rũ do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây ra, năm nào cũng hoành hành. Nhưng nay thì đã khác…

Cà chua ghép trĩu quả, chống chọi tốt với bệnh tật – Ảnh: Q.THANH (TTO)

Một tiến bộ kỹ thuật chống được vi khuẩn gây bệnh héo rũ ở cà chua, do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam sở hữu, có thể giúp các nông dân yên tâm hơn…

Loại vi khuẩn gây bệnh này có tốc độ lây lan nhanh, gây chết cây hàng loạt. TS Ngô Quang Vinh – trưởng phòng nghiên cứu cây thực phẩm, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam – còn nhấn mạnh: đây là vi khuẩn thuộc loại sống “thọ” nhất trong đất.

Không những vậy, khi xâm nhập thân cây cà chua, vi khuẩn Ralstonia solanacearum sẽ lan truyền, sinh sản và nhanh chóng chiếm đầy mạch dẫn của cây, làm tắc nghẽn các mạch dẫn – con đường “vận tải” chất dinh dưỡng nuôi cây. Chính vì thế nên khi bị vi khuẩn Ralstonia solanacearum xâm nhập, cây héo rũ nhanh chóng và dẫn đến chết chỉ trong một thời gian ngắn sau đó.

Theo nghiên cứu của GS Phạm Văn Biên – viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam và cộng sự, tỉ lệ cây chết do vi khuẩn Ralstonia solanacearum xâm nhập thường là 20-30%, thậm chí có trường hợp nhiễm nặng thiệt hại 100%.

Những gì mà thế giới, cụ thể là ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, có thể làm để phòng tránh bệnh héo rũ do vi khuẩn trên cây cà chua là ghép ngọn loại cây này với gốc cà tím hay một loại cà chua khác có khả năng kháng bệnh và chống chọi tốt. Giới khoa học cho rằng đây được coi là một trong những giải pháp tốt nhất có thể giúp nông dân hóa giải được nỗi lo bệnh héo rũ trên cây cà chua. Ở VN, nhóm nghiên cứu của TS Vinh cũng đeo đuổi con đường nghiên cứu này. Mọi việc bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2002…

Nhóm nghiên cứu nói trên cho biết một trong những thí nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá khả năng trồng cà chua bằng phương pháp ghép và lựa chọn gốc ghép tại TP.HCM được thực hiện trên diện tích 700m2 đất ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Nhóm nghiên cứu này chủ động bố trí thí nghiệm trên khoảnh ruộng trồng cà chua bị chết 100% do vi khuẩn gây bệnh héo rũ.

Thí nghiệm sử dụng sáu loại cà để làm gốc ghép: cà tím EG203, cà tím Mũi Né, cà tím Kalenda, cà tím East-West, cà chua HW96 và cà cảnh. Còn ngọn ghép là giống cà chua địa phương – Củ Chi. Một thí nghiệm khác tương tự cũng được bố trí tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) trên diện tích 1.500m2, với các giống cà chua phù hợp điều kiện ở khu vực này.

Mùa vụ thí nghiệm kết thúc, kết quả cho thấy tại Củ Chi (TP.HCM) cà chua không ghép chết 100% do bệnh vi khuẩn héo rũ. Trong khi đó loại cà chua ghép với gốc cà tím EG203 tỉ lệ chết là 0%, cà tím Mũi Né 4,2%, cà tím Kalenda 6,2% và các cặp ghép khác tỉ lệ chết từ 17,8-21,5%.

Sau kết quả khả quan nói trên, nhóm nghiên cứu triển khai thêm một bước: trồng thử nghiệm trình diễn. Bước này có 70 hộ trồng cà chua ghép trên diện tích gần 20ha. Một tin vui thật sự đến với nông dân trồng cà chua: tỉ lệ cà chua chết do bệnh héo rũ vi khuẩn của diện tích trồng cây ghép chỉ 0,5% so với 38,5% cây trồng ở khoảnh ruộng trồng cà chua không ghép (nhóm đối chứng). Còn năng suất đạt 54,6 tấn/ha so với 34,3 tấn/ha của nhóm đối chứng, tăng tương đương 59%.

Với nhà nông, đây thật sự là một niềm vui vì được thụ hưởng một tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, giúp mang lại lợi ích lớn.

Theo TS Vinh, các nông dân có nhu cầu hiểu biết kỹ thuật sản xuất ghép cà chua phục vụ sản xuất của gia đình thì “nhóm nghiên cứu sẵn lòng hướng dẫn thực hiện miễn phí”.

QUỐC THANH

 

Theo Tuổi Trẻ Online