Độ sâu tối đa một con cá có thể sống được là bao nhiêu? Câu trả lời đã được các nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh và New Zealand giải đáp trên Tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) mới đây.
Theo đó, việc bắt được 5 con cá sên ở độ sâu gần mức kỷ lục ngoài khơi New Zealand đã giúp các nhà khoa học có những hiểu biết mới về vấn đề này.
Bằng cách đo nồng độ hợp chất trimethylamine oxide (một phân tử bảo vệ prôtêin khỏi những ảnh hưởng của áp suất bên trong con cá), các nhà khoa học kết luận rằng những con cá này không thể sống dưới độ sâu 8.200m. Điều này có nghĩa là không có con cá nào có thể sống ở độ sâu của 1/4 đại dương.
Được biết, do sống trong môi trường thiếu ánh sáng, nên cá sên có rất ít sắc tố với bề ngoài trong suốt. Để bắt chúng, cá thu đã được dùng làm bẫy để thu hút các sinh vật giống như bọ chét biển, vốn là thực phẩm của cá sên.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, Paul Yancey đến từ Đại học Whitman College tại Washington cho biết dường như có một giới hạn tự nhiên đối với lượng phân tử trimethylamine oxide mà một con cá có thể có. Phân tử này cũng đã được nghiên cứu trên con người, trong việc điều trị bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, cá sên có mùi rất khó chịu khi phân hủy. Đó có thể là do phân tử này có một tính chất khác, như mùi đặc trưng. Điều này có nghĩa là, cá sống ở độ sâu càng lớn, chúng bốc mùi càng mạnh.
Đây là những con cá được bắt ở độ sâu lớn thứ hai từng được ghi nhận. Trước đó, năm 1970, một con cá mo-ruy chấm đen đã được bắt bằng lướt vét ở độ sâu 8.370m, khi một con thuyền đi qua vùng biển của Chile. Tuy nhiên, các nhà khoa học không rõ liệu con cá đó được bắt ở dưới đáy đại dương hay khi lưới được kéo lên cao hơn.
Theo TTXVN/Vietnam+