Tình trạng axit hóa đại dương không chỉ làm nhiều loài cá mất khứu giác, mà còn mất khả năng nghe và phản ứng với tiếng động phát ra từ kẻ thù ăn thịt.
Từ thời Cách mạng công nghiệp, hơn một nửa lượng CO2 sinh ra do quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã được đại dương hấp thu, khiến độ pH của nước biển giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 650.000 năm qua.
Nhóm nghiên cứu ở Khoa Sinh học thuộc ĐH Bristol (Anh) nghiên cứu tác động của tình trạng axit hóa đại dương bằng việc nuôi một số con cá hề nhỏ trong những bồn nước với độ axit khác nhau. Trong mỗi bồn có một chiếc loa phát ra âm thanh mô tả âm thanh của đối thủ ăn thịt cá hề.
Kết quả cho thấy, với mức CO2 bình thường trong nước, cá hề trốn tránh trong 3/4 thời gian. Nhưng khi nồng độ CO2 tăng cao, cá hề không phản ứng gì dù loa vẫn phát ra âm thanh. “Điều này chứng tỏ chúng không thể nghe được hoặc không thể giải mã những tín hiệu cảnh bảo“, GS Steve Simpson, trưởng nhóm nghiên cứu, nói.
Trên thực tế, cá hề dựa vào âm thanh để tránh động vật ăn thịt cũng như tìm bạn đời, thức ăn. Vì vậy, loài cá này không thể tồn tại nếu mất khả năng thính giác. Các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để lý giải tại sao sự thay đổi hàm lượng axit trong nước biển ảnh hưởng xấu đến thính giác của cá hề.
Theo Đất Việt