Một nghiên cứu cho thấy cá heo có thể không ngủ nhiều ngày liên tục mà vẫn tỉnh táo. Trên thực tế khi đó chỉ có một nửa bộ não của chúng hoạt động, còn nửa kia nghỉ ngơi.
Khả năng hoạt động của tai và mắt của cá heo không thay đổi sau khi thức nhiều ngày liên tục. Ảnh: wallpaperimg.com. |
Do phải ngoi lên mặt nước để lấy không khí theo định kỳ và canh chừng những động vật săn mồi nên cá heo không thể nghỉ ngơi hoàn toàn trong khi ngủ giống như động vật có vú trên cạn. Chúng buộc phải duy trì trạng thái tỉnh táo ngay cả trong giấc ngủ.
Ở người và nhiều động vật có vú, các giác quan hoạt động kém hẳn sau khi thức thâu đêm. Sam Ridgway, một nhà khoa học của Chương trình động vật đại dương của hải quân Mỹ, muốn tìm hiểu xem tình trạng tỉnh táo 24/24h có làm giảm khả năng hoạt động của các giác quan trên cơ thể cá heo hay không. Nhóm nghiên cứu cũng muốn biết tại sao cá heo có thể tỉnh táo ngay cả khi ngủ.
Rigway và cộng sự tiến hành thí nghiệm với hai con cá heo. Cứ mỗi khi có thức ăn cá heo luôn nghe thấy tiếng “bíp” có thời lượng 1,5 giây. Sau khi cá heo đã quen với hiệu lệnh, nhóm chuyên gia phát liên tục những tiếng “bíp” có thời lượng 0,5 giây. Trong điều kiện đó, thỉnh thoảng tiếng “bíp” 1,5 giây vang lên một cách ngẫu nhiên. Những âm thanh có tần số đủ thấp để cá heo không cảm thấy bị quấy rầy khi chúng dạo chơi trong bể vào ban ngày, và đủ cao để chúng vẫn nhận ra những tiếng “bíp” 1,5 giây.
Kết quả cho thấy, sau khi nghe liên tục trong 5 ngày, cặp cá heo vẫn nhận ra tiếng “bíp” báo hiệu thức ăn với mức độ chính xác không đổi. Trong thử nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu thiết kế một bài kiểm tra thị lực để xem mắt của cá heo có nhìn rõ như lúc đầu hay không. Bên cạnh đó họ vẫn tiếp tục kiểm tra khả năng phân biệt âm thanh của chúng.
Cặp mắt của cá heo nằm ở hai phía đối diện với nhau trên đầu. Vì thế các chuyên gia huấn luyện cho một trong hai cá heo (tên Say) cách nhận ra hai hình khối (một thanh màu xanh lục nằm theo chiều ngang và một thanh màu đỏ nằm theo chiều thẳng đứng). Họ huấn luyện Say với con mắt phải của nó trước.
Nhóm nghiên cứu nghĩ rằng, do một nửa não của cá heo ngủ trong lúc ngủ nên Say sẽ chỉ nhận ra hai hình khối bằng con mắt tương ứng với phần não hoạt động. Nhưng con vật khiến họ ngạc nhiên: Nó nhận ra hình khối bằng mắt trái dù trước đó nó chưa hề được huấn luyện với con mắt này.
Theo Rigway, điều đó có nghĩa là thông tin đã được truyền đi giữa hai bán cầu não của cá heo. Mức độ tinh nhanh của mắt và tai cá heo tương đương với nhau. Sau khi nghe tiếng “bíp” trong 120 giờ, chúng vẫn nhận ra những hình khối. Nhóm nghiên cứu phân tích máu của cặp cá heo để tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy chúng rơi vào trạng thái thiếu ngủ, nhưng không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào.
Theo VnExpress (Livescience)