Cá heo nhỏ nhất bên bờ tuyệt chủng

Cá heo nhỏ nhất bên bờ tuyệt chủng

Các nhà khoa học lại một lần nữa lên tiếng về việc cá heo Maui, nhỏ và hiếm nhất trong số các loài cá heo, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

>>>Loài cá heo huýt sáo để lưu nhớ đặc điểm đồng loại

Môi trường sống duy nhất của chúng là ở bờ biển phía tây New Zealand. Cá heo Maui có tuổi thọ 20 năm và khi được 7 năm tuổi chúng mới bắt đầu hoạt động sinh sản.

Cá heo nhỏ nhất bên bờ tuyệt chủng

Nguyên nhân chủ yếu làm hại cá heo Maui chính là những tấm lưới đăng của ngư dân. Tháng trước lại một con cá heo Maui chết khi vướng vào loại lưới này, đó là con cá đã trưởng thành, dài 1,7m. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc các Đại học Aukland, Oregon và Cục Bảo tồn New Zealand qua việc sử dụng các mẫu ADN cho thấy: Trong vòng 7 năm qua, từ 111 con đến nay chỉ còn 55 cá thể, trong có có 20 con cái.

Tiến sĩ Barbara Maas tại Đại học Cambridge đã đứng ra tổ chức một thỉnh nguyện thư, thu thập 10.000 chữ ký để yêu cầu New Zealand phải nhanh chóng hành động trước khi mọi việc quá muộn. Con số thống kê cho thấy vào những năm 1970 có khoảng 1.000 cá heo Maui tại khu vực này trước khi diễn ra việc cho phép đánh bắt thương mại. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng phải thành lập một khu bảo tồn và phải cấm lưới đăng trên khu vực rộng lớn.

Theo báo Daily Mail, hoàn cảnh của Maui tương tự loài cá heo Baiji ở Trung Quốc, chúng từng có rất nhiều và được coi như “nữ thần” của sông Dương Tử. Năm 2006, một đoàn các nhà khoa học đã tổ chức khảo sát suốt 1.700 dặm thuộc sông Dương Tử để mong tìm được một số cá thể Baiji, dời chúng đến nơi khác để bảo tồn. Thế nhưng kết quả là con số không, Baiji được tuyên bố là đã tuyệt chủng mà nguyên nhân là do hoạt động của tàu bè, việc đánh bắt cá và thủy điện.

 

Theo Thanh Niên, Dailymail