“Cá ma” ở rãnh đại dương sâu nhất thế giới

Một con cá có vẻ ngoài kỳ lạ giống hệt bóng ma được ghi hình tại rãnh đại dương sâu nhất thế giới Mariana thuộc Thái Bình Dương.

Theo Huffington Post, một con cá có vẻ ngoài ma quái, gần như trong suốt, dài 10cm xuất hiện qua hình ảnh của máy quay phim ở độ sâu 2,4km tại rãnh đại dương sâu nhất thế giới Mariana, phía tây Thái Bình Dương.

Okeanos Explorer, tàu biển của Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), quay phim con cá thông qua một trong những phương tiện điều khiển từ xa dưới nước. Các nhà nghiên cứu đăng tải đoạn phim trên YouTube hôm 1/7.


Con cá có vẻ ngoài kỳ lạ ở rãnh Mariana. (Ảnh: NOAA).

“Tôi chắc chắn con cá thuộc họ Aphyonid. Đây là lần đầu tiên một con cá thuộc họ này được bắt gặp khi còn sống”, Bruce Mundy, nhà ngư học tại Sở Ngư nghiệp Quốc gia Mỹ (NOAA), nói.

Mundy cho biết, họ Aphyonidae thuộc Bộ cá chồn (Ophidiiformes) bao gồm những sinh vật như lươn Cusk. Các nhà khoa học trước đây chỉ phát hiện thấy xác của chúng sau khi được đưa lên mặt đất nhờ tàu đánh cá ở biển sâu hoặc tàu nạo vét bùn.

Nhóm nghiên cứu trên tàu Okeanos Explorer đang tiến hành khảo sát các vùng nước sâu tại Khu bảo tồn Hải dương Rãnh Mariana và một số hòn đảo phía bắc rãnh Mariana. Chuyến thám hiểm kéo dài đến ngày 10/7.

Mục đích của các nhà khoa học là tìm hiểu môi trường sống của cá, núi lửa bùn, sống núi giữa đại dương, san hô và bọt biển ở tầng sâu, qua đó có cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống khắc nghiệt tại rãnh đại dương sâu nhất thế giới.

 

Theo VnExpress