Cá mặt người bầu bạn với ân nhân cứu mạng suốt 25 năm

Cá mặt người bầu bạn với ân nhân cứu mạng suốt 25 năm

Con cá với gương mặt giống người luôn bơi tới chỗ người thợ lặn khi nghe tín hiệu, để ân nhân vuốt ve và hôn lên trán.

Hiroyuki Arakawa, một thợ lặn 79 tuổi về hưu, đều đặn tới thăm Yoriko, con cá thuộc chi cá bàng chài đầu cừu châu Á (Asian sheepshead wrasse) trong hơn 25 năm qua, theo Mirror.

Cá Yoriko quấn quýt bên ân nhân. (Video: Great Big Story).

Hiroyuki lần đầu gặp gỡ Yoriko trong một công viên dưới biển ở phía nam Tokyo. Nhận thấy con cá kiệt sức và không thể tự kiếm ăn vì bị thương, Hiroyuki bắt đầu cho nó ăn 5 con cua mỗi ngày trong suốt 10 ngày đến khi nó khỏe lại. Từ đó, ông và con cá trở nên gắn bó.

Mỗi lần Hiroyuki lặn xuống vùng biển nơi Yoriko sinh sống, ông thường dùng búa gõ vào một chiếc cồng để gọi nó đến. Nghe thấy tín hiệu, con cá thường đến và bơi quanh người thợ lặn, để ông vỗ nhẹ lên đầu và thậm chí hôn lên trán nó.

Hiroyuki cho rằng Yoriko có một gương mặt rất giống người khi nhìn nghiêng và ông dám chắc con cá biết ông là ân nhân của nó. “Tôi đoán nó biết tôi đã cứu nó khi nó bị thương nặng. Tôi nghĩ mọi người đều có thể khiến một con vật chú ý khi cho chúng ăn”, Hiroyuki nói.

Sau lần bị thương, Yoriko dường như luôn trong tình trạng sức khỏe tốt. Tuổi thọ của cá bàng chài châu Á chưa được xác định rõ, nhưng loài cá này có thể dài tới một mét.

Cá mặt người bầu bạn với ân nhân cứu mạng suốt 25 năm
Cụ ông 79 tuổi là người duy nhất có thể đến gần con cá. (Ảnh: YouTube).

Một nghiên cứu vào năm ngoài kết luận loài cá có khả năng nhận diện gương mặt. Trong nghiên cứu, cá mang rổ nhiệt đới được cho xem hai ảnh chụp mặt người từ màn chiếu phía trên bể và được huấn luyện để chọn một trong hai ảnh bằng cách phun nước vào đó.

Khi gương mặt nằm lẫn với nhiều bức ảnh khác, chúng có thể chọn đúng gương mặt được cho xem lúc đầu với tỷ lệ 81%, dù nhóm nghiên cứu bỏ đi nhiều đặc điểm dễ nhận biết như hình dáng đầu và màu sắc. Tỷ lệ này tăng lên 86% khi các đặc điểm như độ sáng và màu sắc đúng theo tiêu chuẩn.

“Cá có bộ não đơn giản hơn con người và hoàn toàn không có phần não mà con người sử dụng để nhận dạng gương mặt. Dù vậy, nhiều loài cá bộc lộ những hành vi về thị giác ấn tượng và trở thành đối tượng hoàn hảo để kiểm tra liệu bộ não đơn giản có thể hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp hay không”, tiến sĩ Cait Newport ở Đại học Oxford, Anh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

 

Theo VnExpress