Nghiên cứu mới đây của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho thấy, trong vòng 25 năm tới, biến đổi khí hậu có thể gây ngập lụt trên diện rộng và mặn hóa các hệ sinh thái nước ngọt ở Cà Mau.
Năm 2008, chương trình Greater Mekong của WWF thực hiện nghiên cứu tại Cà Mau (Việt Nam) và Krabi (Thái Lan) nhằm làm rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế, sinh kế người dân và các chương trình bảo tồn của WWF.
Với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nghiên cứu cho thấy, bão và mực nước biển dâng cao sẽ tác động nghiêm trọng đến các ngành kinh tế của Cà Mau, trong khi công tác quản lý ngắn và dài hạn của tỉnh chưa đủ để giải quyết những vấn đề này. Do vậy, Cà Mau được khuyến cáo cần xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp nước, cũng như xem xét vấn đề biến đổi khí hậu khi lập kế hoạch phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng khuyến nghị các nhà hoạch định tỉnh này nên chú trọng hơn nữa đến bảo vệ sinh thái – duy trì hoặc tôn tạo những vùng tự nhiên như cồn cát, đất ngập nước và rừng duyên hải có tác dụng giảm sức mạnh của bão, cải thiện chất lượng nước và điều tiết dòng chảy. Đồng thời, cần nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm cũng như công tác cứu trợ khẩn cấp để chuẩn bị cho những thảm họa liên quan tới khí hậu trong tương lai.
Nước dâng cao, việc đánh bắt của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: Báo Cà Mau. |
Cũng theo nghiên cứu trên, do các hệ sinh thái và nông nghiệp của đồng bằng sông Mekong đều dựa vào dòng chảy tự nhiên và phù sa bồi đắp của con sông này, nên những thay đổi ở vùng thượng nguồn như ngăn chặn dòng chảy tự nhiên và trầm tích sẽ làm các tác động của sự dâng cao mực nước biển nghiêm trọng hơn, đồng thời giảm sản lượng nông nghiệp. Vì vậy, WWF kêu gọi cần các nỗ lực liên quốc gia để sông Mekong được chảy tự do.
WWF đang hướng tới mục tiêu bảo tồn 600.000 km vuông rừng và sông ở vùng Mekong – nơi có giá trị đa dạng sinh học hàng đầu trên thế giới, vốn đang phải đối mặt với những đe dọa nghiêm trọng từ biến đối khí hậu. Đây cũng là nơi cư trú và nguồn sống của hơn 300 triệu người dân các nước Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Lưu vực sông Mekong là nơi trú ngụ của ít nhất 1.300 loài cá trong đó có cá da trơn Mekong khổng lồ – một trong những loài cá ngọt lớn nhất thế giới. Mekong cũng là con sông có sự đa dạng sinh học nhất hành tinh, hơn cả sông Amazon về mật độ loài với nhiều loài đặc hữu.
Theo VnExpress