Cá tính con người nằm trong chính bộ não

Cá tính con người nằm trong chính bộ não

Với chiếc máy chụp ảnh não, các nhà nghiên cứu đã bắt được những hình ảnh biến động của các neuron thần kinh trong não khi một người đang sung sướng trên nỗi đau của người khác, những dấu hiệu cảm xúc của suy nghĩ phe phái và cả những điều xảy ra trong bộ não của một cô gái hạnh phúc khi được người yêu nắm lấy tay mình.

Máy cộng hưởng từ (MRI) ra đời lại tạo ra những tấm ảnh có độ phân giải cao hơn khiến các nhà khoa học thu được hàng loạt những tấm ảnh não màu đỏ, xám và xanh… đầy ấn tượng. Thậm chí, một số luật sư đã sử dụng hình ảnh MRI để tìm cách xin quan tòa làm nhẹ các bản án, với lý luận rằng những hành động của khách hàng của mình có thể được giải thích một phần do hoạt động bộ não hoặc do nó không hoạt động tốt. Một số nhà nghiên cứu cho biết, các phương pháp ảnh não của họ có thể góp phần phát hiện sự nói dối.

Các nhà thần kinh học hiện không ngừng tranh luận về những câu hỏi đại ý: những tấm ảnh đó thực sự nói lên điều gì? Có đáng tin cậy hay không?… Cho dù vậy, họ vẫn đồng ý với nhau về một số cách trả lời. Trước hết, họ đồng ý rằng chắc chắn các tấm ảnh não cho thấy những hoạt động sinh học thật sự của bộ não có liên quan đến cảm giác của con người thực tế.

Cá tính con người nằm trong chính bộ não

Các tấm ảnh chụp não cho thấy hoạt động sinh học thực sự của não.

“Đó là điều giải thích cho sự thích thú, sự kinh ngạc thật sự khi người ta nhìn thấy những hình ảnh này: chúng cho thấy có một phản ứng vật lý có thể đo lường được trong bộ não với những vấn đề như tình yêu chẳng hạn”, TS. Lucy Brown, một nhà thần kinh học tại Trường y Albert Einstein ở Bronx, cho biết, “Mọi người nghĩ rằng những hiện tượng như tình yêu và sự ghen tuông chỉ đơn giản là không thể nghiên cứu được và rằng chúng quá khác biệt, quá cá nhân. Người ta thích nghĩ về chúng như một ma thuật” bởi có ai đó đã từng nói, nếu lý giải được tình yêu thì con người sẽ tuyệt diệt?!

Thế nhưng, kỹ thuật chụp ảnh và các kỹ thuật khác đã hé mở bức màn bí ẩn lâu nay của loài người. Một hạt hạnh (amygdala) hình thoi là trung tâm của nỗi sợ hãi. Một khu vực hình móng ngựa trông có vẻ mỏng manh gọi là đồi hải mã (hippocampus) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết những hoạt động của ký ức. Những khu vực thị giác thì nằm phía sau bộ não.

Thậm chí còn có những bằng chứng cho thấy con người có các “neuron mẹ” (grandmother neurons) – những tế bào đơn nhận dạng một khuôn mặt duy nhất. Trong một tờ báo gần đây, TS. Itzhak Fried, một bác sĩ giải phẫu thần kinh của Đại học California, Los Angeles và TS. Christof Koch, một nhà thần kinh học thuộc Viện Công nghệ California, viết rằng một tế bào đơn ở khu vực hippocampus của một bệnh nhân đang được chuẩn bị giải phẫu động kinh sáng lên một cách mãnh liệt và bền bỉ khi phản ứng với tấm hình của nữ diễn viên Jennifer Aniston, nhưng nó phản ứng kém hơn nhiều khi bệnh nhân này nhìn những tấm hình khác.

Khi đã hiểu rằng cảm giác run run lúc nhận ra một nhân vật nổi tiếng hay cơn khao khát mong mỏi tuyệt vọng thật sự có để lại một dấu vết vật lý trong bộ não, dường như người ta dễ thông cảm hơn với những cảm xúc và phản ứng của người khác, theo các nhà thần kinh học giới thiệu những phát hiện này trước các khán giả chuyên hoặc không chuyên ngành.

“Thử tưởng tượng xem bạn biết một người nào đó đang gặp vấn đề, một người nào đó đang bị rối loạn lưỡng cực hay trầm cảm và họ không nhận được một sự giúp đỡ nào, không một liệu pháp nào, không có gì cả”, TS. Brian Wandell, một nhà tâm lý học thuộc Đại học Stanford nghiên cứu về vỏ não thị giác, cho biết: “Thật là tuyệt diệu nếu khoa học mới này cho phép chúng ta biết rằng có thể có một cách nào khác để thay đổi hệ thống đó” thay vì xem nó như một khuyết điểm cá tính. Thế nhưng vấn đề là, máy chụp ảnh não chỉ nhìn thấy những gì diễn ra trên bề mặt mà không thể lấy được một mẫu thử nào của “địa hình” nằm bên dưới cả. Những khu vực được kích hoạt khi một người đang hạnh phúc, ghen tuông hay đang có cảm giác tội lỗi được nối với rất nhiều khu vực khác theo những hệ mạch phức tạp phân phối khắp bộ não mà phần lớn vẫn còn chưa được các tia sáng máy tính hóa của máy chụp ảnh não rọi tới.

Và đây, với những nếp gấp tinh tế ngầm ẩn của bộ não, các nhà thần kinh học nói rằng gần như họ sẽ có thể khám phá ra những bí mật sâu thẳm nhất của nó. “Bất kỳ một phương pháp mới nào trong ngành thần kinh học cũng rất mạnh mẽ về khía cạnh tiến hóa của lĩnh vực này đến mức nó nói với chúng ta rằng những điều mà chúng ta tưởng mình đã biết hóa ra lại sai lầm”, TS. J. Anthony Movshon, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh của Đại học New York, nhận xét. Nhưng theo ông, cho đến nay, ảnh chụp vẫn chưa chứng tỏ được điều đó.

Ông cho rằng kỹ thuật này, dù hiện đang tập trung vào khoa học não, “là một điều thất vọng, xét về một mặt nào đó, bởi vì cho đến nay nó vẫn chưa nói với chúng ta điều gì khác hơn những gì mà một nhà thần kinh học của thế kỷ 19 có thể nói với bạn về các chức năng của bộ não và chúng được đặt tại đâu”.

Và có thể đó chính là mối nguy hiểm. Hình ảnh não ngày càng phổ biến là một chỗ dựa tuyệt vời, một tấm bản đồ đầy màu sắc và cũng rất hữu ích, nhưng cho đến nay nó chỉ mới cung cấp một ảo tưởng mà thôi. Cơ chế sinh học tinh tế kết hợp và hòa nhập những khu vực khác hẳn nhau của bộ não, chẳng hạn như thị giác, lời nói và cảm xúc – sự hòa hợp ăn khớp của những hoạt động giúp chúng ta trở thành những cá nhân, góp phần quyết định chúng ta sẽ làm gì khi ghen tuông hay khi hứng khởi với một tác phẩm nghệ thuật – hiện vẫn chưa được biết, bất chấp những màu sắc và những cái tên hoa mỹ đặt cho từng khu vực trong bộ não.

Tuy nhiên, một nguy cơ rất lớn hiện hữu, đó là việc nhìn thấy các hoạt động thần kinh sẽ khiến người ta không phải chịu trách nhiệm hay xin lỗi về một hành động và cái cá nhân cũng ngày một giảm đi.

 

Theo Thanh Hải – www.suckhoedoisong.vn