Không phải vô cớ mà các hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus cho tới giờ vẫn chưa ra mắt một chiếc máy bay có thể tách rời cabin hành khách khỏi phần đầu và cánh máy bay.
Trong những ngày vừa qua, cộng đồng mạng đã liên tục chia sẻ một đoạn video trình bày ý tưởng cabin hành khách tách rời khỏi thân máy bay trong trường hợp tai nạn. Ý tưởng này, do một nhà sáng chế người Ukraina đưa ra, cho phép khoang hành khách có thể hạ cánh an toàn bằng dù và động cơ xuống mặt đất, giúp đảm bảo tính mạng cho hành khách ngay cả trong trường hợp cánh và động cơ máy bay gặp vấn đề.
Video về cabin tách rời.
Đáng tiếc là giải pháp được cư dân mạng hết lời ca ngợi này sẽ không thể giúp cải thiện mức độ an toàn khi bay một cách đáng kể. Trong bài viết dưới đây được đăng tải trên tờ Register, giáo sư Herve Morvan, trưởng bộ môn Cơ khí Áp dụng, Viện Hàng không, Đại học Nottingham sẽ đưa ra những phân tích sâu sắc về ý tưởng cabin hành khách tách khỏi máy bay.
Ngay cả khi chưa tính đến yếu tố giá cả đắt đỏ, tình huống sử dụng của giải pháp cabin tách rời cũng là rất hạn chế. Tác giả của ý tưởng này cho biết trường hợp sử dụng của cabin tách rời sẽ là khi máy bay gặp trục trặc về động cơ. Thế nhưng, số vụ máy bay rơi vì vấn đề động cơ là rất hiếm: trong 10 năm vừa qua, số vụ máy bay gặp trục trặc hệ thống và động cơ chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số vụ tai nạn máy bay gây chết người. Ngay từ ban đầu, khả năng áp dụng của ý tưởng này đã là rất thấp.
Cabin có khả năng tách rời cũng khó có thể giúp cứu mạng các hành khác.
Như bạn chắc hẳn cũng đã biết, máy bay gặp nguy hiểm nhiều nhất trong lúc cất cánh và hạ cánh hoặc khi di chuyển với vận tốc thấp (và do đó khó điều khiển hơn). Theo số liệu từ Boeing, khoảng 3/4 số người chết vì máy bay rơi từ năm 2005 đến năm 2014 thuộc về các giai đoạn này của chuyến bay.
Nhưng trong các trường hợp này, cabin có khả năng tách rời cũng khó có thể giúp cứu mạng các hành khác. Khoảng cách quá ngắn từ mặt đất lên máy bay khiến cho phi công không thể thả rơi khoang hành khách khi sự cố xảy ra. Ngay cả trong trường hợp tách rời thành công, cabin máy bay cũng rất có thể sẽ rơi xuống một khu vực có nhiều tòa nhà ở gần sân bay.
Số người chết vì tai nạn xảy ra trong khâu hành trình bay trong suốt 10 năm qua là 1000 người. Về lý thuyết, khâu hành trình sẽ là khâu mà ý tưởng cabin tách rời có thể phát huy tác dụng nhiều nhất. Thế nhưng, về thực tế, 80% các vụ tai nạn máy bay là do lỗi của con người, trong đó phổ biến nhất là mất kiểm soát máy bay hoặc va chạm vào các bề mặt. Nếu như phi công đã mất khả năng kiểm soát máy bay, hoặc khi máy bay chuẩn bị tông vào vách núi, cabin hành khách tách rời cũng không thể cứu mạng những người có trên máy bay.
Khi mất cả 2 động cơ, cơ trưởng Sullenberger vẫn có thể cứu mạng toàn bộ hành khách mà không cần tới cabin tách rời.
Vậy trong những trường hợp phi công có thể bình tĩnh phản ứng để tách rời cabin thì sao? Hãy thử lấy ví dụ về chuyến bay US Airways 1549, khi phi công Chesley B Sullenberger buộc phải hạ cánh chiếc A320 xuống sông Hudson tại New York, sau khi máy bay bị hỏng cả hai động cơ vì va chạm với một bầy ngỗng trời. Cho dù các nhà sản xuất không thể chuẩn bị cho toàn bộ các tình huống tai nạn, các động cơ đều đã được thử nghiệm cho tình huống chim bị hút vào trong động cơ và “sống sót” qua các trường hợp này, ít nhất là trong vòng một vài phút. Ngay cả trong trường hợp bị mất 1 động cơ, máy bay vẫn có thể cất cánh với động cơ còn lại.
Trong vụ việc của chuyến bay 1549, phi hành đoàn đã không may bị mất cả 2 động cơ, nhưng ở độ cao thấp (vừa mới cất cánh) thì thiết kế cabin tách rời sẽ là vô dụng. Ngay cả khi được cabin được tách rời thành công, khả năng cabin này va chạm với các tòa nhà trong thành phố cũng là rất lớn. Cuối cùng, cơ trưởng Sullenberger đã hạ cánh thành công chiếc A320 xuống con sông ở gần đó. Dù không có tách rời, phi công này vẫn có thể giải quyết được một sự cố trầm trọng trong lúc bay.
Việc sản xuất ra một cơ chế gắn liền-tách rời cho cabin hành khách cũng là không hề đơn giản. Các kỹ sư sẽ phải tìm cách nào đó để giúp cabin có thể gắn liền vào phần đầu và cánh máy bay một cách an toàn trong điều kiện bình thường nhưng vẫn có thể tách rời một cách dễ dàng khi sự cố xảy ra. Cơ chế này cũng sẽ đẩy chi phí bảo trì lên rất cao.
Tiếp đó, hệ thống cabin tách rời cũng sẽ làm tăng trọng lượng của máy bay.Với những chiếc máy bay thì trọng lượng là yếu tố tối quan trọng, ảnh hưởng tới cả khả năng điều khiển lẫn chi phí hoạt động (đặc biệt là chi phí nhiên liệu).
Ý tưởng cabin tách rời không chỉ quá đắt đỏ mà còn không có ý nghĩa sử dụng thực tế.
Thực chất, hệ thống tách rời cabin khỏi thân máy bay đã được đưa ra từ rất lâu. Sau thảm họa của tàu con thoi Challenger vào năm 1986, các nhà thiết kế của chương trình tàu con thoi Hermes của Châu Âu đã từng nghiên cứu một hệ thống tương tự để đảm bảo an toàn cho các nhà du hành vũ trụ, nhưng cuối cùng khoản chi phí quá đắt đỏ cho hệ thống mày cũng như các ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng chuyên chở của tàu con thoi đã khiến toàn bộ chương trình Hermes gặp thất bại.
Gần đây, vào cuối năm 2015, Airbus cũng đã đăng ký bằng sáng chế “Aircraft Pod”: máy bay khi hạ cánh tại một sân bay có thể tách rời khoang hành khách để ngay lập tức gắn với một khoang chở khách/chở hàng khác. Ý tưởng chính đằng sau thiết kế này là để dùng chi phí tiết kiệm được khi giảm thời gian đỗ chờ nhằm chi trả cho các chi phí về nhiên liệu phát sinh, thay vì để tách rời cabin nhằm cứu mạng hành khách trong hành trình bay. Hiện tại, Aircraft Pod mới chỉ dừng ở mức ý tưởng.
Nói tóm lại, dù bạn có thất vọng đến đâu thì ý tưởng khoang hành khách tách rời khi máy bay gặp tai nạn cũng sẽ là bất khả thi và không hợp lý tại thời điểm này. Bù lại, các hành khách vẫn có thể yên tâm rằng ngành hàng không vẫn đang ngày một cải thiện mức độ an toàn của mình.
Theo vnreview