Các biện pháp phòng bệnh vào mùa đông

Các biện pháp phòng bệnh vào mùa đông

Không khí lạnh và khô của mùa đông không chỉ thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày mà còn dễ gây ốm. Hãy chú ý đến những điều sau đây để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe. 

Cấp nước

Nước chiếm 2/3 trọng lượng cơ thể và là một trong những chất dinh dưỡng đặc biệt cần thiết với con người. Trong thời tiết lạnh, nước nóng giúp lưu thông đường mũi và tránh tắc nghẽn. Một ly nước ấm mỗi sáng có thể giúp bổ sung lượng nước tiêu hao qua một đêm, lọc thải chất thừa và thúc đẩy toàn hoàn máu.

Ngoài duy trì thói quen uống nước lọc để cấp nước cho cơ thể, chúng ta có thể dùng các loại súp nóng khi bị ốm. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế uống rượu bia và sử dụng chất kích thích.

Không tự ý dùng thuốc kháng sinh

Các bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ dẫn, vì thuốc kháng sinh được dùng để điều trị bệnh do nhiễm khuẩn, trong khi phần lớn cảm lạnh hay cúm là do virut. Thuốc kháng sinh không diệt được virut mà còn có thể có tác dụng phụ.

Giữ ấm

Để phòng và giảm các triệu chứng cảm hay cúm, chúng ta nên cần giữ ấm cho cơ thể, tránh ăn mặc phong phanh khi ra đường. Một môi trường đủ ấm, sạch sẽ, có độ ẩm thích hợp sẽ giúp bạn tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước mùa đông. Ngoài ra, hãy hạn chế uống nước quá lạnh vào mùa lạnh để tránh viêm họng.

Các biện pháp phòng bệnh vào mùa đông

Chăm sóc và bảo vệ cơ thể đúng cách sẽ giúp chúng ta hạn chế bị cảm hay cúm vào mùa đông. 

Chăm sóc cơ thể

Súc miệng bằng nước muối thường xuyên có thể giúp bạn loại bỏ vi khuẩn, tránh viêm họng và chống nhiễm trùng. Để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bạn cũng nên bảo vệ hệ miễn dịch bằng cách duy trì thói quen rửa tay sạch trước khi chế biến và ăn uống. 

Chế độ ăn uống

Hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp bạn chiến đấu với nhiều loại bệnh phổ biến trong mùa đông. Ngoài chế độ ăn uống đủ chất và khoa học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn có thể bổ sung thêm nhiều loại rau xanh, chất xơ. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, sữa chua là thực phẩm có lợi cho đường ruột và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Khi bị cảm lạnh, bạn có thể ăn tỏi sống hoặc sử dụng tỏi trong các món ăn hàng ngày.

Tăng cường vận động

So với những người ít vận động hay tập thể dục đều đặn, người thường xuyên tập luyện mỗi ngày thường năng động, hoạt bát, sức đề kháng tốt và có thể hạn chế nguy cơ cảm lạnh hay các bệnh do virut, đặc biệt vào thời điểm nhạy cảm như mùa đông. 

Để kiểm soát khả năng mắc bệnh, bạn nên duy trì các bài tập vận động như đi bộ, chơi thể thao với cường độ hợp lý tùy theo thể trạng. Với những người có bệnh liên quan đến tim mạch hay huyết áp, nên tham khảo bác sĩ để có kế hoạch rèn luyện thích hợp.

Hoàng Anh 

(Theo Congluan)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.