Các dải san hô có nguy cơ biến mất vào năm 2050

Các dải san hô có nguy cơ biến mất vào năm 2050

Các dải san hô ngầm trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2050 do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu cũng như hành động khai thác thủy sản bừa bãi của các cộng đồng ngư dân ven biển.

>> Loài hàu đang suy giảm nhanh chóng
>> 10 loài san hô có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất

Viện Tài nguyên thế giới (WRI) đưa ra cảnh báo trên trong buổi công bố báo cáo khoa học “San hô lại bị đe dọa” được tổ chức tại Washington ngày 23/2.

Các dải san hô có nguy cơ biến mất vào năm 2050

Theo WRI, khoảng 75% số san hô tại các vùng biển trên thế giới đang đứng trước hàng loạt mối đe dọa. Hơn 90% số san hô sẽ chết vào năm 2030 và đến năm 2050, toàn bộ các dải san hô trên phạm vi toàn cầu giúp nuôi sống hàng triệu người sẽ bị tàn phá hoàn toàn.

WRI nhận định, con người – tác nhân lớn nhất trực tiếp đe dọa sự sống còn của các rặng san hô tuyệt đẹp – đang hủy diệt hơn 60% hệ sinh thái dưới đáy đại dương này.

Ngoài ra, các tác động của biến đổi khí hậu cũng đang đặt các dải san hô trước nguy cơ bị “xóa sổ.”

Nhiệt độ Trái Đất ngày một tăng lên đã khiến tảo cộng sinh trên san hô chết đi, gây ra hiện tượng mất màu của các dải san hô. Thêm vào đó, các vùng biển trên thế giới cũng đang dần bị axít hóa do lượng khí thải CO2 gia tăng, làm giảm khả năng sinh trưởng của san hô. Nếu không được ngăn chặn, hiện tượng này có thể khiến các quần thể san hô tàn lụi dần.

Các nhà khoa học cảnh báo nếu không hành động khẩn cấp và sâu rộng nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với san hô, hệ thực vật biển này sẽ biến mất hoàn toàn, gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với cuộc sống của 500 triệu người, chủ yếu tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Giới khoa học kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên thế giới tăng cường công tác quản lý biển, hạn chế hành động khai thác biển bừa bãi và đặc biệt là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Theo TTXVN