Các dạng chất béo mẹ bầu nên và không nên ăn trong thai kỳ

Các loại chất béo bà bầu nên và không nên ăn trong thai kỳ
Thực phẩm là một phần quan trọng tác động đến sự phát triển của em bé trong bào thai. Sử dụng các loại chất béo như thế nào cho hợp lý là một trong những câu hỏi được quan tâm nhiều nhất của bà bầu. Bạn đang mang thai và đã hiểu những gì về kiến thức dinh dưỡng thai sản này? Hãy tìm hiểu thêm về chủ đề này ngay bây giờ!
Chúng ta dường như đều cảm thấy rùng mình khi nghe đến từ “chất béo”. Sự thực chất béo là dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Chất béo có nhiều loại và việc bạn sử dụng chúng như thế nào mới là vấn đề. Theo các chuyên gia, 25 – 35% calo của phụ nữ trong thời kỳ mang thai là chất béo nhưng không phải tất cả các loại chất béo được tạo ra giống nhau. Một số loại có lợi cho sức khỏe cần bổ sung nhiều, trong khi một số loại gây ra nhiều tác hại hơn có lợi, do đó bà bầu cần tránh và hạn chế sử dụng chúng.
Chất béo không bão hòa: Tốt nhưng hãy ăn vừa phải
Các loại chất béo bà bầu nên và không nên ăn trong thai kỳ
Chất béo không bão hòa – loại chất béo “lành mạnh” có nhiều trong cá và các loại hạt. (Ảnh minh họa)
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng phần lớn các chất béo bạn tiêu thụ đều là chất béo không bão hòa – loại chất béo lành mạnh nhất. Chúng bao gồm cả chất béo không bão hòa dạng đơn thể và chất béo không bão hòa dạng đa thể. Cả hai loại này đều rất quan trọng trong thai kỳ của bà bầu. Dù loại chất béo này cần thiết cho phụ nữ có thai, nhưng bà bầu nên giới hạn sử dụng chúng khoảng 25% trong tổng số lượng calo cần tiêu thụ hàng ngày mà thôi. Ví dụ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bạn là 2000 calo, bạn chỉ cần nạp vào cơ thể 500 calo chất béo/ngày.
Lợi ích của chất béo không bão hòa
Chất béo không bão hòa cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể của mẹ và bé. Chất béo không bão hòa đa thể có chứa nhiều axit béo omega-3 (hoặc axit eicosapentaenoic, được tìm thấy nhiều trong thực vật) và DHA (hoặc axit docosahexaenoic, được tìm thấy nhiều trong cá) để giúp phát triển và duy trì sức khỏe của tim, hệ miễn dịch, mắt, não và nhiều hơn thế nữa. Chất béo không bão hòa đơn cũng là một nguồn axit folic tuyệt vời, bảo vệ em bé của bạn chống lại dị tật bẩm sinh.
Một khẩu phần chất béo không bão hòa dạng đơn tiêu chuẩn bao gồm:
–    28g hạt các loại
–    35g hạnh nhân
–    ½ quả bơ
–    1 thìa canh dầu thực vật
Một khẩu phần chất béo không bão hòa dạng đa thể tiêu chuẩn bao gồm:
–    113g cá hồi
–    113g cá trích
–    84g hạt lanh
–    1 thìa canh dầu nành
Chất béo bão hòa: Hãy hạn chế
Các dạng chất béo mẹ bầu nên và không nên ăn trong thai kỳ
Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. (Ảnh minh họa)
Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo rằng chất béo bão hòa cung cấp cho cơ thể không quá 6% calo hàng ngày, tương đương với khoảng 13g chất béo bão hòa trong một chế độ ăn 2000 calo.
Lợi ích của chất béo bão hòa
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa thường chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Ví dụ, thịt bò chứa chất béo bão hòa và protein giúp hình thành tế bào. Bệnh cạnh đó, thịt bò còn chứa nhiều sắt, khoáng chất cần thiết để sản sinh máu cho cả mẹ và bé trong thai kỳ. Pho-mát cũng là thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và nhiều canxi cần thiết cho sự phát triển xương của bà bầu và em bé trong bụng mẹ.
Một khẩu phần chất béo bão hòa tiêu chuẩn bao gồm:
–    85g thịt bò thăn
–    28g pho-mát
–    28g bơ
–    85g thịt bò xay
Chú ý:
Hãy chắc chắn rằng bạn luôn đọc nhãn sản phẩm trước khi mua hàng để biết rõ loại chất béo có trong sản phẩm và lượng chất béo mà bạn sẽ nạp vào cơ thể có phù hợp với chế độ dinh dưỡng cho bà bầu hay không. Cũng cần phải nhắc lại rằng không phải mọi chất béo đều không tốt cho sức khỏe vì chất béo không những chứa nhiều năng lượng mà còn giúp cơ thể hấp thụ các vitamin quan trọng khác như vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K.
Nguyễn MaiNguồn: WTE
(Theo congluan)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.