Ebola, một trong những đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử loài người đang ngày càng có những diễn biến phức tạp. Do vậy, việc cập nhật những kiến thức về căn bệnh “hủy diệt” này là không thể bỏ qua với bất kỳ ai.
Ebola là gì?
Bệnh virus Ebola (EVD) hoặc sốt xuất huyết Ebola (EHF) là tên gọi của bệnh trên người bị gây ra bởi virus Ebola. Tên này lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà virus này đã bùng phát lớn lần đầu tiên vào năm 1976.
Tốc độ lây truyền Ebola hiện nay
+ Trong tháng 2/2014 tại các nước Tây Phi, Guinea, Sierra Leone và Liberia đã có những bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm virus Ebola.
+ Tính đến ngày 1/8/2014, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có 729 người chết ở Tây Phi trong tổng số 1.300 người mắc virus Ebola.
+ Tổng thống Nigeria cảnh báo nước này có hơn 30.000 người có nguy cơ mắc virus Ebola.
Cách phòng tránh bệnh
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cập nhật những hiểu biết về Ebola là việc làm đúng đắn và quan trọng nhất thời điểm hiện tại. Để có thể phòng bệnh, trước tiên, bạn cần biết:
Cách thức bệnh lây truyền: Ebola HF thường lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là máu và dịch tiết của bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh như: quần áo, kim tiêm, ga đệm… cũng làm tăng khả năng lây nhiễm.
Bởi vì triệu chứng của Ebola HF là không rõ ràng, để phát hiện chính xác bệnh cần một thời gian theo dõi. Vì thế, thời gian ủ bệnh và lây nhiễm càng tăng. Trong quá trình chăm sóc sức khỏe, việc tái sử dụng kim tiêm tiệt trùng và quần áo bệnh nhân là hai trong nhiều “thủ phạm” góp phần vào sự lây lan của bệnh.
Khu vực có bệnh: Hiện tại, virus Ebola được xác nhận là chỉ có ở miền Trung và Tây Phi. Bệnh lây chủ yếu quanh các cơ sở y tế nơi bệnh nhân nhiễm virus Ebola được điều trị. Do đó, nếu không có việc quá gấp/cần thiết thì bạn nên tránh xa vùng dịch. Trong thời gian dịch bệnh đang có nhiều diễn biến bất thường, không nên đi du lịch đến những khu vực trên.
Tránh tiếp xúc với người bệnh: là điều kiện tiên quyết để phòng bệnh. Trong trường hợp phải đến khu vực đang có bệnh, bạn hãy cách ly với người đang hoặc nghi nhiễm bệnh. Không tiếp xúc với cả vật dụng cá nhân của người đó. Vì rất có thể máu người bệnh đã dây ra các vật dụng cá nhân.
Nếu phải tiếp xúc với người bệnh, bạn cần mặc quần áo bảo hộ y tế cẩn thận. Sau đó, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Khi rửa, nhớ làm sạch kỹ càng đến phần khuỷu tay và các kẽ ngón tay trước khi tháo bỏ bộ đồ y tế và các thiết bị bảo hộ.
Tránh ăn thịt thú rừng hoang dã: Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng, Ebola lây qua con người thông qua động vật, chính xác là việc tiêu thụ thịt của động vật linh trưởng. Bởi thế, nếu bạn đang ở trong vùng dịch thì tuyệt đối tránh mua, ăn hoặc xử lý thịt động vật hoang dã.
Các dấu hiệu nhiễm Ebola
Các dấu hiệu bệnh chỉ biểu hiện ra ngoài sau 48 giờ ủ bệnh cho đến 3 tuần lễ sau khi bệnh nhân bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, thông thường chỉ trong 1 tuần, bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ có hầu hết các triệu chứng sau:
+ Sốt
+ Đau đầu
+ Đau khớp và cơ bắp
+ Mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe
+ Tiêu chảy
+ Buồn nôn
+ Đau dạ dày
+ Mất cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra còn có một số triệu chứng ít gặp hơn là:
+ Nổi mề đay
+ Đau mắt đỏ
+ Nấc cụt
+ Ho kéo dài
+ Đau họng
+ Tức ngực
+ Khó thở và khó nuốt
+ Chảy máu bất thường trong và ngoài cơ thể.
Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh bạn cần?
+ Đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm cần thiết ngay lập tức: Đây là việc làm quan trọng đầu tiên để bạn tự bảo vệ mình cũng như sức khỏe cộng đồng.
+ Uống nhiều nước: Hiện chưa có vacxin điều trị Ebola nên hầu hết các phương pháp hiện nay là cố gắng trị từng triệu chứng bệnh một cách đơn lẻ. Trong đó, nguy hiểm nhất chính là tiêu chảy vì nó sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh chóng. Vì thế, bạn cần bổ sung nhiều nước và các chất điện giải cho cơ thể, tốt nhất là sử dụng đồ uống thể thao.
+ Kiểm soát huyết áp: Bạn cần để chuyên viên y tế kiểm soát huyết áp của cơ thể và cố gắng duy trì nó ở mức ổn định. Nếu chỉ số xuống càng thấp thì đồng nghĩa với mức độ bệnh càng nghiêm trọng.
+ Ở trong môi trường nhiều oxy: Đảm bảo bạn được ở trong môi trường nhiều oxy vì khó thở và tức ngực cũng là hai triệu chứng phổ biến do Ebola gây ra. Nếu cảm thấy không thể thở được, hãy báo với bác sĩ để được hỗ trợ máy thở ngay lập tức.
+ Không giấu bệnh: Luôn thẳng thắn nói ra những triệu chứng mới của cơ thể với nhân viên y tế để có được một phác đồ điều trị đúng đắn. Tất cả các bệnh viêm nhiễm đều cần sự điều trị cẩn thận, nếu không dễ lây lan trên diện rộng một cách nhanh chóng.
+ Nghỉ ngơi nhiều: Đây là điều duy nhất bạn có thể làm để nạp thêm năng lượng chống lại “kẻ xâm nhập” Ebola. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm virus Ebola cao nhưng nếu bạn có một sức khỏe tốt cùng với hệ miễn dịch đủ mạnh thì có thể đặt nhiều hy vọng vào sự hồi phục.
Vân Đặng
(Theo Wihkihow/Ảnh: Wikihow)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.