Lụt lội nghiêm trọng, thiếu điện, mất điện hay ách tắc giao thông là sức ép mà các thành phố lớn ở châu Á đang phải gánh chịu dưới tác động của phát triển kinh tế chóng mặt, sự cực đoan của thời tiết và sự gia tăng dân số cơ học do di dân.
Sự yếu kém trong xây dựng chiến lược, đầu tư chưa đúng mức vào cơ sở hạ tầng và sự thiếu ý chí chính trị đang làm cho các khu vực đông dân cư này trở nên dễ bị tổn thương trong tình trạng biến đổi khí hậu, theo nhận định của các chuyên gia.
Những năm vừa qua Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippin) thường xuyên hứng chịu những trận lụt lớn còn Ấn Độ thì ở trong tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng vì nguồn cung không đủ cho nhu cầu của công nghiệp, dân dụng và văn phòng.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước châu Á, nơi mà hàng triệu người di cư lên thành phố mỗi năm mong thoát khỏi đói nghèo nhưng lại phải đối diện với điều kiện sống thiếu thốn mỗi khi có thiên tai.
Ở Thái Lan, hậu quả của việc khai thác nước ngầm phục vụ cho nhà máy cho 12 triệu dân ở Bangkok là tình trạng sụt lún nhà cửa. Và mặc cho các cảnh báo về sự nguy hiểm của việc xây dựng trên các khu vực lầy và các khu vực có nguy cơ sụt lún, các khu nhà cao tầng vẫn mọc lên như nấm.
Còn ở Manila, đô thị hóa quá nhanh làm chặn dòng chảy tự nhiên cùng với sự xuống cấp của hệ thống thoát nước chính là nguyên nhân chính đằng sau trận lụt lịch sử vào tháng này. Trong khi đó, các khu rừng ở ngoại ô Manila bị phá để xây nhà cho giới trung lưu và thượng lưu. Ở nội thành, dân nhập cư xây nhà tạm ở ven sông, mương thoát nước, hay ven đê và xả rác xuống các dòng chảy gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ở Ấn Độ, tháng trước, mất điện trên một nửa diện tích cả nước đã khiến cho trên 600 triệu người Ấn Độ ở trong tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm vì cung không đủ cầu. Theo báo cáo năm ngoái của Liên hợp quốc, hiện nay, chỉ có 30% dân cư ở nước này sống ở khu vực thành thị, thấp hơn Trung Quốc (50,6%) và các nước phát triển (70 – 80%). Dự báo, dân số đô thị của Ấn Độ sẽ tăng thêm 60%, đạt 606 triệu người vào năm 2030. Thêm vào đó, điều hòa không khí, lò vi sóng, máy giặt và các thiết bị điện máy khác ngày càng được sử dụng rộng rãi càng làm cho sức ép về năng lượng ở nước này tăng thêm.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên Cứu Quốc tế McKinsey, Ấn Độ cần thêm 350-400 kilomet tàu điện và 19.000-25.000 kilomet đường. Hiện nay, thủ đô Mumbai có mật độ dân số là 20.000 người/km2, một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Các tuyến tàu từ ngoại ô ước tính chuyên chở 7 triệu người mỗi ngày và mỗi năm có tới 3000 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt.
Trong khi đó, thủ đô Dhaka ở Bangladesh đang chịu đựng hệ thống giao thông tồi tệ nhất trong lịch sử. Chuyên gia hàng đầu về giao thông Shamsul Haq cho rằng tình hình ở Dhaka là không thể khắc phục nổi.
Tuy nhiên, ách tắc giao thông không phải là vấn đề riêng của Dhaka mà xảy ra như cơm bữa ở nhiều thành phố khác. Đơn cử, Jakarta đứng cuối danh sách gồm 23 nước trong cuộc điều tra của Frost & Sullivan năm 2011 về mức độ hài lòng với các phương tiện giao thông công cộng. Các chuyên gia dự báo rằng hệ thống xe buýt và việc thiếu đường sắt sẽ làm cho nước này rơi vào tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng vào năm 2014.
Theo Giáo sư Sun Sheng Han, chuyên gia quy hoạch đô thị – Đại học Melbourne của Úc, cốt lõi vấn đề của tình trạng trên ở các đô thị châu Á nằm ở chỗ sự thiếu tầm nhìn trong một khu vực mà các chính sách phát triển đô thị phản ánh sự kết hợp của “các mục tiêu chính trị và tham vọng kinh tế”.
Theo Thiên Nhiên