Để may được nhiều sản phẩm đẹp, trước tiên, bạn cần thành thạo các kỹ năng may vá cơ bản. Trong đó, có các đường may từ tay đến máy bạn cần nắm rõ và thực hiện tốt. Vậy hãy cùng tham khảo ngay để thực hành nhé!
May vá là một lĩnh vực ngày càng phổ biến và được nhiều người thực hiện. Cùng với nó, những kiến thức may vá cho người mới bắt đầu cũng được tìm kiếm nhiều hơn, nhất là các đường may cơ bản này.
Các đường may cơ bản gồm có: các đường may tay và các đường may máy. May tay hiểu đơn giản là dùng tay và kim khâu để thực hiện các mũi may. Với hướng dẫn thực hiện các đường may tay cơ bản, chúng tôi đã hướng dẫn ở bài viết: Hướng dẫn các đường may tay cơ bản cho người mới học
Vậy, để nắm rõ hơn về phần thứ 2 của các đường may cơ bản là may máy, thì bạn hãy cùng tham khảo trong bài nhé!
-
1
Đường may can, may can lật, may can lật đè
a/ May can
– Đặt 2 mặt phải của vải úp vào nhau, bạn sắp vải bằng mép và may cách đều theo quy định.
– Yêu cầu kỹ thuật cho đường may can đó là: các mép vải bằng nhau, đường may thẳng, không nhăn vải.
– Ứng dụng của đường may can là để ghép nối các chi tiết vào nhau.
b/ May can lật
– Đường may can lật thực hiện cách may giống như may can, rồi ta lật mép vải về một phía.
– Yêu cầu kỹ thuật: các mép vải bằng nhau, đường may thẳng, lật vải sát đường may.
– Ứng dụng may can lật để may tra lưng quần, cổ áo.
c/ May can lật đè
– Đường may can lật đè bạn hãy thực hiện giống như may can lật, sau đó may một đường chỉ đè lên các mép vải lật.
– Yêu cầu kỹ thuật: các mép vải bằng nhau, đường may thẳng, không nhăn vải, hai đường may cách đều nhau.
– Ứng dụng của đường can lật đè để may đường dọc ống quần, đường sườn áo.
May can là một trong các đường may cơ bản bạn cần nắm rõ
-
2
May can rẽ, can rẽ chặn hai bên
a/ May can rẽ
– Thực hiện may giống như can, sau đó ủi rẽ mép vải sang hai phía.
– Yêu cầu các mép vải bằng mí, đường may thẳng, không nhăn vải, rẽ vải sát đường may.
– Đường may can rẽ dùng để may đường dọc quần, may nẹp áo, sườn áo (nếu có).
b/ Đường can rẽ chặn hai bên
– Sau khi may can rẽ, bạn hãy úp mặt trái vải xuống may chặn hai bên.
– Yêu cầu kỹ thuật: đường may chặn hai bên cách đều đường may can rẽ.
– Đường may can rẽ ứng dụng để can nẹp, cổ áo phía trong (nếu có).
-
3
May can kê
a/ May can kê sổ
– Bạn thực hiện đặt hai mép vải nằm chồng lên nhau khoảng 1cm, may một đường may giữa hai mép vải đó.
– Yêu cầu kỹ thuật cho đường may can kê là: đường may thẳng, không nhăn vải.
– Ứng dụng: đường may can kê sổ dùng để can vải dựng cổ, manchette.
b/ May can kê gấp mép
– Gấp mép vải vào bề trái khoảng 0,7cm rồi đặt chồng lên mặt phải của lớp vải thứ hai và may một đường đè lên sát mí nếp vải gấp.
– Yêu cầu kỹ thuật: đường may thẳng không nhăn, đường may mí cách đều nếp vải gấp.
– Đường may can kê gấp mép để may đáp túi, may đường dọc ống quần.
Trong các đường may cơ bản không thể thiếu đường may can kê
-
4
May cuốn đè mí (may ép)
– Đặt hai bề trái vải úp vào nhau làm sao cho mép vải dưới dư hơn mép vải trên khoảng 0,7cm. Sau đó bạn gấp mép vải dưới lên ôm sát mép vải trên rồi thực hiện may đường thứ nhất cách mép vải độ 1cm. Sau đó trải lớp vải dưới sang phía bên kia đối xứng với lớp vải trên qua đường nối và may đường thứ hai đè lên sát mí nếp vải gấp.
– Yêu cầu kỹ thuật: hai đường may song song nhau, đường may thẳng không nhăn, bám sát mí, vải không bị vặn, không cộm.
– Đường may cuốn đè mí ứng dụng để may đường dọc ống quần bảo hộ lao động, đường đáy quần đùi nam, đường sườn áo, nách áo…
May cuốn đè mí là một trong các đường may cơ bản cho chị em may vá
-
5
May lộn
a, May lộn một đường
– Thực hiện: gấp mép vải vào mặt trái lần thứ nhất khoảng 0,7cm rồi gấp thêm một lần nữa to theo quy định (bản lai) và may một đường sát mí nếp vải gấp.
– Yêu cầu kỹ thuật: đường may thẳng đều, không bị vặn, mép vải nằm êm.
– Đường may mí ngầm dùng để may đường lai quần, lai áo, lai tay…
b, May lộn hai đường
– Đặt hai mặt trái của vải úp vào nhau, bạn nhớ sắp bằng mép và may đường thứ nhất cách đều mép vải 0,3cm. Tiếp tục, xén gọn mép vải, lộn vải đưa mặt trái của vải ra ngoài và đường thứ hai cách nếp gấp của vải khoảng 0,5cm.
– Yêu cầu kỹ thuật: các lớp vải bằng nhau, đường may thẳng, không nhăn, không bị vặn, không lộ sợi.
– Đường may lộn hai đường để may đáy quần lưng thun, may đường vòng nách…
Hình minh họa may lộn trong các đường may cơ bản
-
6
May mí ngầm (may gấp mép)
– Gấp mép vải vào mặt trái lần thứ nhất khoảng 0,7cm tiếp tục gấp thêm một lần nữa to theo quy định (bản lai), may một đường sát mí nếp vải gấp.
– Yêu cầu kỹ thuật cho đường may là: đường may phải thẳng đều, mép vải nằm êm, không bị vặn.
– Đường may mí ngầm để may đường lai quần, lai áo, lai tay…
-
7
May tra lật đè mí
– Bạn thực hiện đặt mặt phải của vải nằm úp vào mặt trong của chi tiết rồi sắp các mép vải bằng nhau, thực hiện may đường thừ nhất cách đều mép vải 0,6cm. Tiếp tục, lật mặt vải ra mặt ngoài của chi tiết, gấp mép vải và đặt chồm lên đường may thứ nhất, may đường thứ hai sát mí nếp vải gấp.
– Yêu cầu kỹ thuật của đường may thứ hai phủ kín và bám sát đường may thứ nhất nhưng không đè lên đường may thứ nhất (may lọt khe). Đường may thẳng, không nhăn, không bị vặn.
– May tra lật đè mí để may tra cổ áo, may tra manchette…
Các đường may cơ bản là một trong những kiến thức may vá cơ bản chị em cần nắm rõ để may sản phẩm đẹp nhanh chóng hơn
Hy vọng với các đường may cơ bản này sẽ là kiến thức bổ ích cho các bạn đã, đang và sẽ học may. Ngoài ra, bạn còn có thể tham khảo các mẫu váy áo, đồ cho bé để tự may cho mình hoặc đặt may trong chuyển mục Chart may vá nhé!
Xem thêm:
* Bỏ túi cách cắt may váy xòe liền thân tiện ích cho bạn