Bạn có biết, não bộ – “cỗ máy” hoàn hảo trong cơ thể người không phải lúc nào cũng hoạt động êm ái. Não bộ luôn được coi là “cỗ máy” thần kỳ không biết mệt mỏi trong cơ thể. Khi ta thức, não điều hành và chi phối mọi hành động của cơ thể dù là nhỏ nhất, khi ta ngủ, não cũng không một phút nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng não bộ hoàn thành mọi nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Thực tế đã chứng minh, trung ương thần kinh cũng có lúc rất “ngớ ngẩn”…
Đãng trí khi bước vào một không gian mới…
Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác đi xuống bếp lấy một món đồ và rồi quên béng mất mình định lấy gì? Hay đơn giản bạn không còn nhớ việc mình định làm khi đi từ phòng này sang phòng khác?
Đừng ngại ngần thú nhận, bởi thực tế phần lớn chúng ta đều từng như vậy. Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Quarterly Journal of Experimental Psychology, người ta chứng minh rằng ký ức trong não bộ có tính phân đoạn và được ghi lại giống như một cuốn sách nhiều chương.
Khi bước vào một không gian mới, não bộ cũng mặc định chuyển việc ghi nhớ ký ức sang một chương mới. Vì thế, đôi lúc quá trình này khiến điều bạn định làm bỗng nhiên biến mất trong não và đầu óc trở nên trống rỗng lạ thường.
… thậm chí tưởng tượng thôi cũng khiến trí nhớ “đi chơi”
Chưa hết, các nhà khoa học còn chỉ ra một sự thật không mấy vui vẻ về bộ não. Theo đó, việc tưởng tượng ra cảnh đi bộ qua những cánh cửa phòng thôi cũng khiến bạn quên hết những gì mình đang dự định trong đầu.
Giới chuyên gia gọi đây là “lỗ đen” của trí nhớ ngắn hạn. Nói cách khác, khi tin rằng bạn đang đi qua một ranh giới không gian mới, não bộ sẽ thả tất cả những thông tin trong trí nhớ ngắn hạn vào khoảng không vô định, khiến bạn không thể nhớ nổi mình đang nghĩ về điều gì.
Não đôi lúc cũng tự nguyện bị “dắt mũi”…
Trong não bộ luôn tồn tại một phần vô cùng bí ẩn được gọi là ký ức giả. Theo các nhà thần kinh học, chính phần ký ức này là nguyên nhân khiến con người đôi khi rơi vào tình huống bị “dắt mũi” dễ dàng.
Để chứng minh điều ấy, các nhà tâm lý học cho sinh viên của họ một danh sách các từ liên quan đến giấc ngủ (giường, nghỉ ngơi, sự tỉnh táo…) nhưng không hề có từ ngủ trong đó.
Sau đó, sinh viên được yêu cầu nhớ lại các từ đã đọc qua. Thật ngạc nhiên, tất cả họ đều nhớ rằng mình đã đọc từ “ngủ” trong danh sách.
Điều này chứng tỏ rằng kí ức trong não chúng ta có thể thay đổi, thậm chí là thay đổi một cách dễ dàng chỉ bằng một vài thủ thuật nhỏ. Đó cũng là lý do nhiều sự việc bạn tin rằng mình nhớ như in nhưng trên thực tế lại hoàn toàn sai.
… tới mức bạn có thể tin rằng mình từng là kẻ phạm tội dù không phải vậy
Thời gian gần đây, các nhà khoa học thậm chí có thể sử dụng ký ức giả để cấy vào não bộ một quá khứ tội lỗi.
Theo đó, chỉ thông qua thí nghiệm kéo dài khoảng vài tiếng đồng hồ, các chuyên gia thần kinh có thể thuyết phục một người vô tội tin rằng mình từng là kẻ phạm pháp với tỉ lệ thành công hơn 70%.
Não bộ làm việc nhiều nên đôi khi cũng rất… lười
Mặc dù hoạt động liên tục và không ngơi nghỉ nhưng cũng có những lúc, não bạn đình công và không muốn làm việc. Một trong những minh họa cho nhận định này chính là “Hiệu ứng Google”.
Theo đó, không ít người ngày nay mắc phải hội chứng kì quặc này. Hiểu một cách đơn giản, đây là hiện tượng khi não có xu hướng quên đi nhiều thông tin hơn nếu biết rằng ta có thể tìm kiếm thông tin ấy bằng Internet.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia Betsy Sparrow nói rằng: “Bộ não dựa vào Internet để ghi nhớ rất giống với cách chúng ta dựa vào trí nhớ của một người bạn, thành viên gia đình hay đồng nghiệp. Chúng ta ít nhớ được thông tin hơn là nhớ địa điểm mà thông tin có thể được tìm thấy”.
Nhưng đôi khi, não trở nên cực kỳ thông minh chỉ bằng cách… nhắm mắt
Để khắc phục những giây phút đánh mất trí nhớ, não bộ cũng đã tạo ra nhiều cơ chế tăng cường sinh lực. Một trong những biện pháp đơn giản song hiệu quả nhất, đó là… nhắm mắt.
Theo một nghiên cứu trên 178 người được công bố trên tạp chí Legal and Criminal Psychology, những người nhắm mắt trả lời câu hỏi về các chi tiết trong một bộ phim đã xem chính xác hơn 23% so với người bình thường.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, nhắm mắt sẽ giúp trung ương thần kinh được giải phóng khỏi một số nhiệm vụ liên quan tới thị giác, từ đó tăng cường hoạt động của các neuron ghi nhớ trong não bộ.