Các kiểu “bay lên trời” bằng không khí mà con người nghĩ ra

Các kiểu

Bên cạnh mục đích di chuyển từ nơi này sang nơi khác, con người cũng sáng tạo thêm nhiều hình thức bay mới lạ nhằm phục vụ mục đích giải trí hoặc thể thao. Chúng ta có thể chinh phục bầu trời cao bằng nhiều hình thức vô cùng mới lạ và độc đáo. Cùng tìm hiểu những cách giúp bạn “bay lên trời” hết sức thú vị từ xưa tới nay.

1. Bay bằng khí cầu

Hình thức bay cổ xưa nhất của loài người là khinh khí cầu. Vào tháng 12/1783, chiếc khí cầu chở người đầu tiên đã bay lên trên bầu trời Paris, Pháp. Đây là thành quả phát minh của anh em nhà Montgolfier. Phương pháp của họ dựa trên kiến thức vật lý: khí nóng trong khí cầu nhẹ hơn không khí bên ngoài, tạo ra một lực nâng khí cầu bay lên.

Về sau, con người tiếp tục phát triển thành công loại khí cầu thứ hai dùng khí nhẹ. Thay vì đốt nóng khí cầu, người ta bơm hydro hoặc heli giống như cách chúng ta bơm những quả bóng bay vậy. Ngày nay, việc đi ngắm cảnh bằng khí cầu đã trở thành một hình thức du lịch phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

2. Nhảy dù

Với những người ưa cảm giác mạnh, nhảy dù có lẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu. Bạn sẽ phải thật dũng cảm để nhảy ra khỏi một chiếc máy bay cách mặt đất vài cây số, rơi tự do trong không trung trước khi bật dù và tiếp đất.

Bộ môn nhảy dù đã xuất hiện từ cuối thế kỉ XVII. Nhà phát minh người Pháp – André-Jacques Garnerin đã thực hiện chuyến nhảy dù thành công đầu tiên của nhân loại vào ngày 22/10/1797.

Nhảy dù “thót tim” là vậy nhưng thực ra tính an toàn rất cao. Trung bình tỉ lệ tai nạn trong nhảy dù chỉ ở mức 1/150.000. Những người nhảy dù phải đeo thêm một dù dự phòng. Người nhảy dù còn được trang bị thêm một cảm biến tự động bật dù trong những trường hợp nguy cấp.

3. Hang-gliding (bay với cánh diều)

Hang-gliding là một môn thể thao mạo hiểm xuất hiện từ cuối thế kỉ XIX, trong đó người chơi sẽ được gắn một bộ cánh làm bằng những vật liệu nhẹ như nhôm và composite.

Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, đến những năm 1890, nhà phát minh người Đức – Otto Lilienthal đã chế tạo thành công bộ đồ hang-gliding đầu tiên

Kĩ thuật của bộ môn Hang-gliding dựa trên nguyên tắc bay của loài chim. Từ lâu, con người đã nỗ lực phỏng theo nguyên tắc này để chế tạo những “bộ đồ bay” nhưng thường không thành công.

Để bay lên, người mang “đôi cánh” sẽ chạy lấy đà xuống một sườn núi dốc. Khi hội tụ đủ điều kiện, người đó sẽ bay lên không trung và tự mình điều khiển tốc độ, hướng bay chỉ bằng cách điều chỉnh cơ thể và đôi cánh trên người.

Hang-gliding được xếp vào nhóm thể thao mạo hiểm. Người chơi có thể gặp nguy hiểm khi gặp những luồng gió hoặc khí nóng bất ngờ bốc lên từ dưới mặt đất.

4. Bộ đồ bay (Wingsuit flying)

Thế nhưng hang-gliding vẫn chưa phải là đỉnh cao của sự mạo hiểm. Các bạn đã bao giờ tưởng tượng ra hình ảnh một siêu nhân chỉ mặc áo choàng bay vun vút trên bầu trời? Giấc mơ đó đã trở thành có thực với wingsuit flying – bay mà không cần cánh.

Năm 1930, một thanh niên 19 tuổi ở Mỹ là Rex G. Finney đã thử chế tạo “bộ đồ bay” đầu tiên nhưng còn rất sơ sài. Chỉ đến giữa thập niên 90, Patrick de Gayardon, người Pháp mới phát triển những “bộ đồ bay” hiện đại đầu tiên. Các bộ đồ sau này ngày càng được hoàn thiện thêm về mặt kĩ thuật.

Trong wingsuit flying, người chơi sẽ chỉ mặc một bộ đồ làm tăng diện tích cơ thể lên mức tối đa (có thêm lớp màng giữa hai chân và dưới cánh tay), nhờ đó tạo ra lực cản không khí.

Chỉ dựa vào sự khéo léo của mình, họ vút bay mà không cần bất cứ động cơ nào hỗ trợ. Cuối cùng, người chơi bật dù để tiếp đất. Đây là môn thể thao cực kì mạo hiểm mà chỉ những người nhảy dù chuyên nghiệp nhất mới có thể tham gia học.

5. Máy bay

Năm 1903, lịch sử hàng không của loài người bước sang một trang mới với phát minh của anh em nhà Wright – máy bay. Lần đầu tiên, con người có thể bay lên bầu trời với một thiết bị nặng hơn không khí (đối lập với các khinh khí cầu).


Anh em nhà Wright – người mở đường cho ngành hàng không

Máy bay nhanh chóng được ứng dụng vào trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống con người, từ quân sự, quốc phòng cho đến vận chuyển hành khách, hàng hóa, nghiên cứu khoa học hay thậm chí làm mưa nhân tạo.

Máy bay giờ đã trở thành một trong những phương tiện giao thông phổ biến nhất. Tuy những vụ tai nạn máy bay có thể gây chết nhiều người cùng một lúc, song đây vẫn là một phương tiện có tỉ lệ an toàn cao.

 

Theo Trí Thức Trẻ