Có rất nhiều sản phẩm cần đến sự hoàn thiện và trang trí đẹp hơn nhờ các đường xếp li. Vì vậy, cần hiểu và thực hành tốt các kiểu xếp li cơ bản để may sản phẩm đẹp như ý.
Trong may vá có rất nhiều kỹ năng may dù nhỏ nhưng rất quan trọng, trong đó có các kiểu may xếp li. May xếp li là một kỹ năng cơ bản để tạo thành các đường xếp li trang trí cho sản phẩm.
Có rất nhiều sản phẩm cần đến kiểu xếp li, như một chiếc váy xòe, áo tay phồng, một chiếc rèm cửa hay vỏ gối cũng cần may xếp li. Vì vậy, để giúp cho sản phẩm đẹp bạn cần hiểu và biết các kiểu may xếp li khác nhau làm sao ứng dụng phù hợp cho từng kiểu sản phẩm bạn đang may.
Một set đồ mà cả 2 váy và áo đều cần dùng đến kiểu xếp li
Hãy cùng tham khảo các kiểu xếp li cơ bản nhất dưới đây nhé!
-
1
Li sóng
Mô tả và công dụng:
– Những nếp vải được xếp cho nổi sóng lên và thường được áp dụng trên bộ quần áo đầm trẻ em, áo có cầu vai, cầu ngực, tay phùng hoặc may dún tai bèo trên áo, rèm cửa, áo gối…
– Li sóng có hai dạng: đều và không đều.
Cách thực hiện li sóng:
– May gấp mép hoặc cuốn mép một cạnh vải dài.
– May xếp li ở cạnh vải thứ hai.
Li sóng không đều (may dún)
– May một đường chỉ thưa cách mép vải khoảng 3-5mm.
– Cầm một đầu chỉ rút vải: dún lại tương đối đều nhau.
– May dằn ngang đường thứ hai để giữ nếp vải.
Li sóng đều:
– Gấp từng sóng vải, đều nhau, cùng một chiều. Ghim kim hoặc may lược khi đang gấp vải.
– May dằn ngang để giữ nếp vải, đường may cách mép vải từ 3mm đến 5mm.
– Là (ủi) kỹ, để các sóng li thẳng nếp.
Hình minh họa cách may li sóng không đều
Yêu cầu kỹ thuật:
– Các li nổi sóng rõ ràng, khoảng xếp dún trải đều nhau (không có chỗ dày, chỗ thưa).
– Li sóng đều: Cùng chiều và bằng nhau.
-
2
Li sâu
Mô tả và công dụng:
Một li sâu gồm hai nếp gấp của li sóng, hai nếp gấp hướng vào nhau, tạo khoảng vải ở giữa, chìm sâu vào bên trong. Kiểu li này thường được áp dụng trên áo đầm trẻ em, rèm cửa…
Cách thực hiện
– May gấp mép hay cuốn mép ở một cạnh vải dài.
– Xếp li ở cạnh vải thứ hai, xếp vải giống li sóng nhưng hai nếp gấp hướng vào nhau, hai nếp vải sát nhau.
– May dàn ngang để giữ nếp vải.
– Là thật kỹ để các đường sóng li thẳng, nếp gấp vải sát vào nhau.
Yêu cầu kỹ thuật
– Hai nếp gấp hướng nhau thật sát, không hở.
– Các li cách đều nhau.
Hình minh họa cách xếp vải để may li sâu
-
3
Li tròn
Mô tả và công dụng:
Một li tròn gồm hai li sóng, nhưng hai nếp gấp hướng về hai phía khác nhau, tạo khoảng vải ở giữa nổi phùng lên. Li tròn là bề trái cảu li sâu và thường áp dụng trên áo đầm trẻ em, khăn phủ giường…
Cách thực hiện: Giống li sâu, nhưng xếp hai nếp gấp quay về hai phía khác nhau.
Yêu cầu kỹ thuật: Các li xếp đều nhau thẳng nếp.
Hình minh họa cách xếp vải để may li tròn
-
4
Li nổi gân
Mô tả công dụng:
Những nếp vải nhỏ được may nổi trên áo để trang trí dọc theo thân áo, tay áo hay xéo ngang qua ngực áo. Những nếp vải này nhỏ khoảng từ 1mm đến 2mm hoặc to khoảng 1cm đến 2cm.
Cách thực hiện:
– May li trên bề mặt vải.
– Gấp vải theo đường thẳng.
– Đường may song song với đường gấp vải, may li to hay nhỏ tùy ý.
Hình minh họa đường may li tròn và li sâu
Yêu cầu kỹ thuật
– Các li bằng và cách đều nhau
– Đường may thẳng, song song với đường gấp vải, không nhăn.
Một chiếc rèm cửa cũng cần sử dụng các kiểu xếp li
Trên đây là hướng dẫn chị em may vá các kiểu xếp li cơ bản chi tiết từ mô tả, công dụng đến cách làm cụ thể. Mong rằng, những kiến thức này sẽ giúp các bạn có thể tự may cho mình hay gia đình mình những món đồ đẹp và thật ưng ý.
Hãy thường xuyên ghé qua chuyên mục Handmade và Chart may vá của chúng tôi để cập nhật nhiều kỹ năng cũng như kiến thức may vá hữu ích nhé!
Xem thêm:
>> Bỏ túi cách cắt may váy xòe liền thân tiện ích cho bạn